TP.HCM vừa được một công ty Singapore đề nghị phủ sóng Wi-Fi miễn phí. Ý tưởng này nhận được sự đồng tình cao khi có thể thúc đẩy du lịch và chính phủ điện tử. Tuy nhiên, hiện cũng nổ ra những tranh luận về tính bảo mật và quyền riêng tư.
Ở một góc độ khác, để đầu tư Wi-Fi cho toàn thành phố thì phải tốn bao nhiêu tiền?
Để điện thoại hay laptop kết nối với Wi-Fi, cần có một thiết bị phát sóng Wi-Fi, thiết bị này có thể là Access Point (AP) hay router AP. Thông thường, với kết nối Wi-Fi ngoài trời, người ta sẽ dùng thiết bị AP chuyên dụng (outdoor). Một AP outdoor thường có độ phủ trong bán kính 50m – 300m. Một chuyên gia từng triển khai Wi-Fi miễn phí ở các bệnh viện, trường học, cho biết độ phủ của AP nằm trong 150-200m là hợp lý. Ở tầm bán kính này, thiết bị di động vẫn có thể kết nối được, nếu xa hơn, điện thoại có thể dò được sóng Wi-Fi nhưng không thể kết nối Internet.
Về lý thuyết, nếu một AP có thể phủ sóng trong vòng 200m hình tròn, thì diện tích phủ sóng là 125.600 mét vuông, tương đương 0,1256 km vuông. Do đó, để phủ sóng toàn bộ khu vực Quận 1, TP.HCM (có diện tích khoảng 7,73 km vuông) thì tốn khoảng 62 chiếc AP. Muốn phủ sóng hết các quận ở TP.HCM thì tốn gần 4.000 AP. Để phủ sóng toàn bộ các quận, huyện TP.HCM thì phải trang bị khoảng 16.680 chiếc AP.
Một mẫu AP dành cho phát sóng ngoài trời của một hãng tầm trung hiện nay, có tầm phát sóng từ 150-300m (trung bình 200m), có giá khoảng 28-30 triệu đồng. Khi đó, để phủ hết Quận 1 thì phải tốn chi phí khoảng 62 x 30 = 1.860.000.000 đồng, tính tương tự thì sẽ thấy phủ Wi-Fi toàn TP.HCM tốn khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Ngoài chi phí AP là cơ bản nhất, phải tính thêm chi phí thi công (cộng thêm khoảng 30% tổng thiết bị AP), phí mua dây cáp, thuê bao đường truyền nhà mạng…
Tuy nhiên, tất cả con số trên chỉ mang tính lý thuyết. Khi triển khai, nhà đầu tư có thể sẽ không phủ toàn bộ TP.HCM; tại mỗi quận, huyện có thể chỉ phủ những địa điểm quan trọng. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chọn AP rẻ hơn; hoặc thương lượng để được miễn phí thi công, cáp nếu mua AP…
Một nguồn tin của ICTnews đang tham gia đấu thầu thiết bị AP cho công ty Singapore nói trên cho biết, công ty này có thể đầu tư phủ sóng ở những khu vực trọng điểm trước và sẽ thuê đối tác Việt Nam triển khai thi công. Việc thu lợi nhuận có thể đến từ quảng cáo.
Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia nhận định, việc lắp đặt hay triển khai hạ tầng Wi-Fi miễn phí ở TP.HCM không khó. Vấn đề được đặt ra đầu tiên chính là tốc độ băng thông có đủ để cho nhiều người dân thành phố sử dụng cùng lúc hay không.
Giả sử một chiếc điện thoại cần tải một dung lượng 3-4MB để đọc tin tức bình thường, chưa xem video online. Nếu có 100 chiếc điện thoại cùng truy cập vào một điểm AP thì dung lượng tải về rất lớn, đòi hỏi băng thông rộng rãi. Với một nhu cầu lớn như vậy, vị chuyên gia từng triển khai Wi-Fi miễn phí ở bệnh viện, trường học cho biết cộng các nhà mạng viễn thông lại chưa chắc đủ dùng! Tuy nhiên, vị này cũng nói thêm rằng, có thể chủ đầu tư sẽ có công nghệ để giải quyết bài toán trên hoặc hạn chế truy cập cùng lúc, không cho xem video online chẳng hạn…
Ngoài nỗi lo về bảo mật là hacker có thể truy cập trái phép thiết bị người dùng thông qua việc dùng chung mạng Wi-Fi, thì một chuyên gia về tiếp thị thông qua Wi-Fi cho biết, với việc dùng chung một mạng Wi-Fi, người dùng có thể bị theo dõi vị trí. Sở dĩ có việc này là do mỗi lần di chuyển trên đường, điện thoại có thể bật tín hiệu để kết nối với các AP, do đó thông tin vị trí di chuyển của một thiết bị có thể bị ghi lại.
Vấn đề phủ sóng Wi-Fi toàn TP.HCM vẫn chưa có nhiều thông tin được hé lộ, tuy nhiên có nhiều luồng ý kiến khác nhau đang nổ ra. Bên ủng hộ cho rằng việc này sẽ thúc đẩy du lịch TP.HCM khi khách nước ngoài có thể kết nối Internet miễn phí, và cũng giúp nhiều người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận thế giới mạng. Nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình do lo ngại tình trạng bảo mật và quyền riêng tư.
Theo ICT News