|
Cô Phạm Thị Châm (áo xanh) và các em học sinh điểm trường Tả Liềng trường Mầm non Cốc Mỳ số 2 huyện Bát Xát Lào Cai. Ảnh: Anh Tuấn. |
Cô giáo Phạm Thị Châm, giáo viên mầm non Điểm trường Tả Liềng Cốc Mỳ số 2- Huyện Bát Xát, Lào Cai, vốn quê ở tận Hà Nam. Năm 1979, gia đình cô chuyển lên huyện Mường Khương, Lào Cai lập nghiệp và cô cũng được sinh ra ở đó từ năm 1987. Tuổi thơ của cô cũng đã được gắn với núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Năm 2005 Châm đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai (hệ giáo viên mầm non), năm 2008, Phạm Thị Châm tốt nghiệp ra trường và được phân công tác về Trường Mầm Non xã Cao Sơn, Huyện Mường Khương, cách TP. Lào Cai gần 70 km .
Mới ra trường lại phải đi làm xa cách nhà hơn 40 km (trong đó có 7 km đường núi hiểm trở), suốt 2 năm đầu Châm phải đi bộ leo đèo lội suối đến trường, vì lúc đó đường chưa thể đi được xe máy. Nhiều hôm vì họp phải về muộn, trời tối nguy hiểm, nhưng vì tình thương các cháu đang "khát" chữ mà Châm đã không nghỉ một buổi lên lớp nào.
Cô giáo Châm tâm sự, cái khó nhất lúc mới ra trường kinh nghiệm chưa có, ngôn ngữ bất đồng, vì một 100% các em học sinh đều là dân tộc thiểu số, có một số cháu có biết tiếng phổ thông nhưng cũng bập bẹ, nhiều cháu không biết một chút gì. Điều băn khoăn nhất lúc ấy là truyền đạt ra sao để các cháu hiểu và yêu quý cô giáo -- Quả là một điều không đơn giản. Thời gian đầu các em học sinh bỏ học nhiều, mỗi lần đi dạy cô lại phải mang theo túi kẹo để dỗ dành. Khó khăn chồng khó khăn, dù rất yêu nghề nhưng nhiều lúc cô cũng rất hoang mang…
Đi bộ đến trường xa, dốc đèo núi khó đi, sáng nào cô cũng phải dậy sớm, khi trời còn tối chưa nhìn rõ mặt người nhiều lúc nghe tiếng thú gọi bầy cũng thật hoảng. Nhất là mùa mưa rét, sáng sớm rét như cắt da, cắt thịt.
Cuối năm 2010, Châm kết hôn, chồng cô làm việc ở Mỏ Đồng nên cô xin chuyển công tác về Bát Xát và được phân về trường mầm non Cốc Mỳ. Năm học 2016-2017, Châm được phân công giảng dạy ở Điểm trường Tả Liềng trường Mầm non Cốc Mỳ số 2 huyện Bát Xát, Lào Cai.
Đầu tuần cô đi xe máy đến trường cách nhà khoảng 27 km, trong đó có 10 km đường đất dốc trơn trượt và ở lại trên thôn đến cuối tuần mới về, cuộc sống sinh hoạt trên thôn không có điện…. Với khí hậu mỗi ngày gần như 4 mùa, sáng tối rất rét, nhưng buổi trưa nóng nên việc đi lại của các cô giáo như Châm gặp rất nhiều khó khặn. Cũng có xe máy đấy nhưng nếu trời mưa phải dắt xe nhiều hơn đi vì bùn lầy, trơn trượt.
Hiện nay Châm phụ trách lớp hơn 30 cháu độ tuổi từ 3-4 tuổi (điểm trường chính), tất cả đều là người Dao. Cũng như ở Mường Khương khó khăn nhất vẫn là việc các cháu biết tiếng phổ thông còn ít. Nhưng bù lại được phụ huynh các cháu hết sức quan tâm và yêu quý các cô, coi thầy cô như con em trong gia đình, họ sẵn sàng giúp đỡ các cô trong mọi công việc. Mong ước của Châm mong sao các thôn miền núi nơi cô công tác sớm có điện, có đường đi lại thuận tiện để các cháu học sinh đỡ thiệt thòi.
Với tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ suốt 9 công tác ở miền vùng núi đặc biệt khó khăn, Phạm Thị Châm năm nào cũng đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt năm học 2014-2015, Châm đạt danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở”.
Hiện nay Châm là mẹ của 2 cháu bé cũng gặp nhiều khó khăn trong đời sống vì mẹ phải đi làm xa nhà, nhưng được sự thông cảm giúp đỡ của chồng nên cô đã vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc các cháu nhỏ nơi vùng núi xa xôi. Hằng ngày, cùng các đồng nghiệp như những con ong cần mẫn xây tổ ấm vượt hàng chục km đường núi hiểm trở để đến trường để nuôi dạy các cháu nhỏ.