|
Ảnh mang tính chất minh họa. (Nguồn: Internet) |
Chốt nhà đầu tư dự án BOT 11.200 tỷ đồng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Liên danh 3 cái tên... |
Long Vân đang đứng chung với Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công Thành trong liên danh vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ định làm nhà đầu tư dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
Nhưng nó có vẻ còn quá “non” và “lạ” so với hai cái tên đồng hành.
Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn là thành viên của một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Tập đoàn này hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Vân Đồn, và lớn bậc nhất tỉnh Quảng Ninh. Ngoài Vân Đồn, Hạ Long, họ cũng tham vọng đầu tư nhiều dự án lớn tại Móng Cái. Với tiềm lực, nền tảng và chiến lược như vậy, Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn rõ ràng có động lực và cả thế mạnh để tham gia dự án đầu tư đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công Thành (Công Thành) cũng là một nhà đầu tư có nhiều gắn bó với Quảng Ninh. Năm 2015, liên danh Công Thành và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) đã được UBND tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT.
Căn cứ vào tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp dự án (Công ty CP BOT Biên Cương), nên nhớ, Công Thành là bên sở hữu đến 95% cổ phần trong liên danh nhà đầu tư dự án hạ tầng giao thông 14.000 tỷ đồng này.
Bên cạnh đó, Công Thành cũng là một trong 8 cái tên tham gia liên danh nhà đầu tư dự án BOT Cầu Bạch Đằng, với tổng vốn đầu tư 7.200 tỷ đồng, nối liền Hải Phòng – Quảng Ninh.
Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân vẫn còn là một cái tên mới toanh.
Công ty này thành lập ngày 06/12/2017, không lâu sau khi Quảng Ninh có văn bản đề nghị Bộ GTVT thẩm định Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT và cũng không lâu trước khi Quảng Ninh chính thức phát hồ sơ mời sơ tuyển dự án này.
Ở giác độ nào đó, nói Long Vân được lập ra để ứng tuyển dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có thể cũng không quá khiên cưỡng.
Tuy nhiên, không thể chỉ nhìn vào thời điểm thành lập để đánh giá về thực lực của một chủ đầu tư. Có thể một tập đoàn mạnh nào đó lập ra Long Vân để thuận tiện trong ứng tuyển và quản lý thì sao (?!).
Vậy, cần phải xem xét danh sách thành viên sáng lập của Long Vân.
Long Vân của ai?
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu (ngày 06/12/2017), Long Vân có vốn điều lệ 660 tỷ đồng, đăng ký đóng góp bởi 3 thành viên sáng lập – tất cả đều là thể nhân, gồm: Trần Minh Dũng (đăng ký góp 198 tỷ đồng; chiếm tỷ lệ 30%); Lê Ngọc Quyến (363 tỷ đồng; 55%); Phạm Thị Minh Phương (99 tỷ đồng; 15%).
Hơn một tuần sau, cơ cấu sở hữu Long Vân bắt đầu có sự thay đổi. Ngày 15/12/2017, phần vốn góp của bà Phạm Thị Minh Phương (SN 1995, trú tại Tổ dân phố Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) được chuyển sang đứng tên bởi bà Vương Thị Hằng (SN 1986; trú tại phường Thanh Xuân Bắc, Q. Thanh Xuân, Hà Nội).
Bà Hằng cũng đồng thời thay ông Trần Minh Dũng (SN 1988) đảm nhận cương vị Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Long Vân.
Rồi một tuần sau nữa - ngày 22/12/2017, đến lượt thành viên sáng lập Lê Ngọc Quyến (SN 1970; trú tại phố Sơn Tây, phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội) – người sở hữu lớn nhất ở Long Vân – thực hiện chuyển nhượng vốn góp. Người đã nhận chuyển nhượng toàn bộ 363 tỷ đồng (55%) vốn điều lệ tại Long Vân của ông Quyến là ông Nguyễn Xuân Thạch (SN 1981; trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội).
Lại một tuần sau – ngày 29/12/2017, Long Vân thực hiện tăng vốn điều lệ lên mức 1.500 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu của các thành viên vẫn được giữ nguyên: Trần Minh Dũng (450 tỷ đồng; 30%); Nguyễn Xuân Thạch (825 tỷ đồng; 55%); Vương Thị Hằng (225 tỷ đồng; 15%).
Cần thiết phải nói rằng Trần Minh Dũng, Nguyễn Xuân Thạch, Vương Thị Hằng vẫn là những cái tên còn khá “lạ” trên thị trường. Họ đăng ký góp những số tiền khổng lồ vào Long Vân, tuy nhiên chưa rõ đến thời điểm hiện tại, những thành viên 8x này đã thực góp được bao nhiêu. 1.500 tỷ đồng vốn điều lệ mà họ đăng ký cho Long Vân là một số tiền lớn – kể cả với các đại gia có danh phận.
Thành viên góp vốn lớn nhất của Long Vân – ông Nguyễn Xuân Thạch, được biết, hiện còn đang đại diện cho Công ty cổ phần GNC Việt Nam. Tuy nhiên, không dám chắc ông Thạch có thể gom đủ 825 tỷ đồng để góp vào Long Vân (!).
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân, nếu xét theo lịch sử hình thành và cơ cấu sở hữu, vì thế vẫn còn là một cái tên “lạ”.
|
Long Vân đăng ký trụ sở chính tại Tầng 8, Minh Tâm Building (Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội) - vốn cũng là địa chỉ đăng ký của Công Thành trước đây. (Ảnh: Internet)
|
Chưa hiểu cái tên “lạ” này và Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công Thành đã tìm thấy nhau bằng cách nào và như thế nào để hình thành và trở thành liên danh duy nhất lọt vào sơ tuyển nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Có một chi tiết nên lưu ý, đó là địa chỉ trụ sở chính của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân: Tầng 8, Tòa nhà 137C Nguyễn Văn Cừ, Phường Ngọc Lâm, Quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Nhớ rằng, trước khi chuyển đăng ký về Thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, địa chỉ nêu trên tại tòa nhà Minh Tâm Building (Tầng 8, Tòa nhà 137C Nguyễn Văn Cừ, Phường Ngọc Lâm, Quận Long Biên, TP. Hà Nội) cũng chính là nơi Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công Thành đăng ký trụ sở chính.
Tuy nhiên, đó có thể chỉ là một sự trùng hợp. Bởi Công ty CP Tập đoàn Minh Tâm đầu tư xây dựng Minh Tâm Building là một tòa nhà văn phòng cho thuê. Bất kể đơn vị nào có nhu cầu và đáp ứng được yêu cầu của chủ tòa nhà đều có thể thuê văn phòng tại đây làm nơi đăng ký trụ sở công ty.
Vậy còn điểm “gặp” nào khả dĩ hơn giữa Long Vân và Công Thành?
Theo tìm hiểu của VietTimes, bà Phạm Thị Minh Phương (SN 1995) - cựu thành viên sáng lập của Long Vân và ông Nguyễn Văn Quân (SN 1981) - cựu cổ đông sáng lập của Công Thành - biết khá rõ về nhau.
Ngoài việc cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ dân phố Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, được biết, ông Quân và bà Phương còn từng hợp tác lập nên Công ty TNHH Đầu tư Cheki (Cheki).
Cheki có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, đăng ký trụ sở chính tại số 107A Nguyễn Thiện Thuật, P. Lộc Thọ, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Nhưng theo cập nhật mới nhất, đầu năm 2018, Trưởng phòng Đăng kí kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Cheki, do doanh nghiệp này đã nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp quá 90 ngày.
Lúc này, tại dự án BOT cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân có thể là một cái tên "lạ". Nhưng có lẽ rồi nó sẽ lại sớm trở thành cái tên "quen". Giống như cái cách Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công Thành "lạ" rồi thành "quen" trước đó! Nhắc lại rằng, khi Công Thành cùng Phương Thành Tranconsin được lựa chọn là nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Công Thành cũng bị đặt trước nhiều hoài nghi. Nó chỉ vừa được thành lập và dĩ nhiên là một cái tên "lạ". Nhưng bây giờ, cái tên "lạ" ấy lại xuất hiện trong một dự án BOT quy mô chục nghìn tỷ đồng khác.../. |