Anh Thứ mang nét điển hình của người Tây Sơn, dáng người đậm với làn da sạm sương gió và đôi lông mày quắc lên kiểu con nhà võ. Gần 20 năm làm công tác đoàn thể, từ Đoàn Thanh niên cho đến vị trí bây giờ ở Mặt trận Tổ quốc huyện Tây Sơn, Bình Định, hai thứ gắn bó nhất với anh là chiếc xe máy và dàn loa của nhà. Có một dạo, anh kể, phải cầm cố hai "đứa con tinh thần" này để có tiền ứng trước hoạt động của tổ chức.
“Làm được các chương trình cho bà con mấy xã vùng sâu khó lắm, kế hoạch lên rồi nhưng không có tiền thực hiện, chuyện anh em ứng trước như vầy cũng thường xuyên,” anh Thứ giãi bày. Tiền chi hoạt động cho công tác đoàn thể, anh Thứ nói, luôn trong tình trạng chưa làm đã hết. Điều này xuất phát từ thực tại trớ trêu là tại tổ chức của anh, tiền chi hoạt động chỉ bằng 10% so với chi duy trì bộ máy.
Ví dụ như trong năm 2015, tài trợ từ ngân sách cho Mặt trận Tổ quốc ở huyện Tây Sơn là 916 triệu, thì chi lương, BHXH, BHYT đã là 776 triệu VND, chỉ còn 126 triệu VND tiều chi hoạt động (sau khi bị trừ thêm 10% tiết kiệm chi). Tỷ lệ chi thường xuyên như vậy đã chiếm đến 85% so với tổng chi. Để sử dụng hiệu quả cho công tác dân vận với 15 xã và 135 nghìn dân với con số này, anh Thứ giãi bày, quả thực là khó hơn lên trời.
Cắt “biên chế”: lợi bất cập hại
Câu chuyện của anh Thứ phác hoạ rõ nét tình cảnh của chi tiêu công ở nước ta. Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính trong 5 năm trở lại đây cho thấy con số chi thường xuyên, tức là chi để duy trì bộ máy hành chính, liên tục tăng mạnh. Đến quyết toán ngân sách năm 2014 vừa được Bộ Tài chính đệ trình lên Chính phủ vừa qua, con số này đã đạt đến 65% tổng chi.
Sức ép từ chi thường xuyên đè năng lên ngân sách, khiến Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng từng than thở rằng “điều hành ngân sách như đi trên dây… đến năm 2017 dây mà đứt thì chúng ta chết”. Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh thì cảnh báo rằng với tình hình chi thường xuyên như hiện nay, “trả nợ xong thì không có tiền để làm gì cả”.
Bài toán cải cách hành chính và chi thường xuyên đã được nêu ra từ lâu, nhưng để giải quyết rốt ráo thực sự không đơn giản. Ngay sau khi nước ta bắt đầu thực hiện Đổi mới, Đảng và nhà nước đã nhận thấy yêu cầu cấp bách phải kiện toàn lại bộ máy nhà nước, qua đó thực hiện liên tục ba cuộc cải cách hành chính: từ năm 1991 – 2000, 2001 – 2010, và 2011 – 2020 đang diễn ra.
Đáng tiếc là kết quả đạt được vẫn rất hạn chế, nếu xét theo mục tiêu đề ra là cắt giảm nguồn nhân lực được nhà nước trả lương. Theo Tổng cục Thống kê (2014), thì trong giai đoạn 2005 – 2014, lao động trong khu vực nhà nước vẫn tăng nhiều nhất (500 nghìn người) trong nền kinh tế. Hiện tại, có khoảng 5,5 triệu người làm việc cho nhà nước, và nếu tính cả những người hưởng lương, phụ cấp, thu nhập mang tính chất lương từ nhà nước đã lên đến hơn 11 triệu người.
Tính theo tỷ lệ lao động trong nền kinh tế, lao động nhà nước vẫn chiếm vị trí độc tôn (nếu không tính lao động cá thể) với 10,4%, gần như không đổi so với con số năm 2000 (11%). Điều đáng nói là, theo như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu cách đây ba năm, hơn 30% những người này thì “có cũng được không có cũng được”, với chất lượng lao động rất thấp khi so với các thành phần kinh tế khác. Theo Tổng cục Thống kê, số giờ làm việc trong tuần trung bình của khu vực nhà nước là thấp nhất (43 giờ, so với khối tư nhân và nước ngoài là 50 giờ).
Những kết quả không như mong muốn này có lẽ khiến Đảng và nhà nước quyết tâm hơn trong giai đoạn tiếp theo, với việc Bộ Chính trị cho ra đời Nghị quyết 39, yêu cầu giảm tối thiểu 10% biên chế cho đến 2021.
Nỗ lực đó đã được đền đáp phần nào khi trong năm 2015 đã có đến hơn 9000 công, viên chức được “tinh giản”: nghỉ hưu trước tuổi, cho thôi việc, hay chuyển công tác. Một số ngành còn được chỉ đạo là trong 10 năm tới sẽ không có thêm một suất biên chế mới nào. Không khí nhìn chung ở các cơ quan nhà nước là nỗi sợ mình nằm trong danh sách những người bị “trảm” để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Ai cần tinh giản?
Nỗ lực của chính quyền trong việc cắt giảm nhân lực trong bộ máy hành chính là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu chỉ áp chỉ tiêu một cách cơ học như hiện tại sẽ là lợi bất cập hại cho quá trình cải cách hành chính. Thay đổi nhân lực cho bộ máy phục vụ người dân là điều hệ trọng, phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu, chứ không thể thực hiện theo ý chí chủ quan.
Giảm biên chế không thể cào bằng giữa các bộ, ngành như quan điểm hiện tại. Khi đất nước phát triển, sẽ có những lĩnh vực cần nhân lực hơn nơi khác, thậm chí phải tăng số lượng lao động lên để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong trường hợp đó, tinh giản biên chế cơ học sẽ gây ra tác dụng ngược, khiến bộ máy trở nên đình trệ. Tôi biết có những trường hợp nhà nước đặc cách “tuyển thẳng” những người tài – thủ khoa đầu ra đại học hoặc tốt nghiệp các trường uy tín ở nước ngoài – vào làm việc. Nhưng khi những hồ sơ này được chuyển qua Bộ Nội vụ phê duyệt thì bị găm lại hàng tháng trời. Chờ không được, “người tài” đành ngậm ngùi đi làm nơi khác.
Giảm biên chế, vì thế, không thể chỉ hô hào khẩu hiệu và đặt chỉ tiêu một cách vội vàng. Bởi theo tôi, muốn vấn đề thực sự không nằm ở biên chế mà hai khung khổ tạo ra nó: thứ nhất là cách tổ chức bộ máy hành chính, và thứ hai là phương pháp đánh giá nguồn nhân lực.
Ở vấn đề đầu tiên, bộ máy hành chính của chúng ta bị phình ra quá to và cồng kềnh. Sự cồng kềnh thể hiện ở chỗ cùng một lúc, ngân sách đang phải gồng gánh trên vai thực tế là ba bộ máy hành chính, chứ không phải là một như thông thường trên thế giới. Ba bộ máy đó là hành chính nhà nước, bộ máy của Đảng, và bộ máy của các Tổ chức chính trị - xã hội, vốn có hệ thống xây dựng trên bốn cấp: trung ương, tỉnh/thành phố, quận/huyện, và xã.
Mặc dù đa phần các cơ quan của ba bộ máy nói trên là cần thiết, tuy nhiên, không ít trường hợp chúng được tạo ra bởi vì có “chỉ tiêu” để làm vậy, thay vì xét tính hiệu quả. Một cán bộ của Sở Nội vụ một địa phương từng cho tôi biết rằng có những tổ chức đoàn thể dù chỉ có một thành viên thôi, nhưng vẫn xin thành lập cơ sở và nhận vốn hoạt động. Trong khi ở nhiều nơi, như tổ chức của anh Thứ, lại không có ngân sách để làm việc. Có những xã đoàn Thanh niên đến tháng Ba là ngừng hoạt động vì hết tiền, ngồi chơi xơi nước đến hết năm. Phân bổ ngân sách một cách cào bằng kiểu như vậy, mà không dựa trên tính hiệu quả, rõ ràng cũng là một kiểu lãng phí.
Với vấn đề thứ hai, là tiêu chí cắt giảm nhân lực. Tôi lo ngại rằng tinh giản biên chế có thể tạo ra sự bất công khi bộ máy chưa có phương pháp đánh giá nhân lực một cách khoa học, khách quan, và đồng bộ. Hiện tại, phần lớn các cơ quan nhà nước “đánh giá” cán bộ, qua đó lấy làm tiêu chí để cắt giảm biên chế, bằng cách cho điểm và bỏ phiếu tập thể.
Theo cách này, một người giỏi có thể bị loại ra khỏi hệ thống nếu bị cô lập trong tập thể, trong khi một người năng lực có hạn nhưng “thủ đoạn vô biên” lại có thể tồn tại bằng cách vận động hành lang những người xung quanh. Chính vì vậy, trước khi nghĩ đến chuyện cắt giảm ai, cần phải xây dựng được phương pháp đánh giá được chuẩn hoá và có thể áp dụng trên toàn bộ bộ máy hành chính.
Cải cách hành chính, đặc biệt là cắt giảm biên chế bộ máy nhà nước, là điều không dễ dàng ở bất kì nơi đâu. Nhưng việc thực hiện phải cần thận trọng và có phương pháp đúng đắn, nếu không sửa một cái sai thành cái sai hơn sẽ để lại hậu quả rất nặng nề.
Theo Vietnamnet