Cách nhóm doanh nghiệp của In sách giáo khoa Hòa Phát "hút" tiền từ trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không chỉ Hưng Vượng Developer, In sách giáo khoa Hòa Phát (HTP) cũng thông qua nhiều pháp nhân liên quan nhằm huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Nhanh chóng rút chân khỏi công ty con Hưng Vượng Developer

Mới đây, Công an TP.HCM cho biết đang điều tra vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Hưng Vượng Developer.

Điểm nóng của vụ việc lần này đang tập trung vào lô trái phiếu ngày 6/7/2021 của Hưng Vượng Developer. Theo đó, doanh nghiệp đã phát hành 6.000 trái phiếu mã HVDCH2123001, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu với tổng trị giá 600 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, ngày đáo hạn 2/2/2023, lãi suất 12%/năm.

Tính đến hết quý I năm nay, Công ty Cổ phần In sách giáo khoa Hoà Phát (HNX: HTP) vẫn là công ty mẹ của Hưng Vượng Developer với tỷ lệ sở hữu 62,75%.

Tuy nhiên, trước khi Công an TP.HCM thông báo về dấu hiệu lừa đảo của công ty con, HTP đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào ngày 16/5, và cho biết doanh nghiệp này không còn sở hữu và liên quan đến hoạt động điều hành của Hưng Vượng Developer.

Năm 2020-2021, Hưng Vượng Developer có 2 hợp đồng tín dụng từ HDBank với tài sản đảm bảo là 65.180.700 cổ phần tại Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt và toàn bộ các khoản lợi, lợi tức, cổ tức, trái tức (bằng tiền, bằng cổ phần/trái phiếu và/hoặc bằng tài sản khác), phần giá trị tài sản tăng thêm, quyền ưu tiên mua cổ phần/trái phiếu mới chào bán phát sinh từ số chứng khoán nói trên và cổ phần/ trái phiếu mua phát sinh từ quyền ưu tiên mua cổ phần/ trái phiếu mới chào bán.

Được biết, HTP hoán đổi cổ phần Hưng Vượng Developer đang sở hữu sang cổ phần của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt.

Bên cạnh đó, "thượng tầng" của HTP cũng có sự thay đổi với ông Lương Văn Quang chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT mới của In sách giáo khoa Hoà Phát. Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền giữ chức thành viên HĐQT độc lập và ông Phạm Duy giữ chức vụ Tổng giám đốc.

Không chỉ vậy, ông Lương Văn Quang cũng đã từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT tại Hưng Vượng Developer và chính thức chấm dứt tất cả chức vụ tại doanh nghiệp sau hơn 2 năm đồng hành.

Băn khoăn mục đích sử dụng 600 tỷ huy động từ trái phiếu

Theo dữ liệu, nguồn tiền từ lô trái phiếu 600 tỷ đồng của Hưng Vượng đã được dùng để mua 100% vốn Công ty Cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ - chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (dự án resort Hodota).

Tổ chức tư vấn, đại lý đăng ký, lưu ký, thanh toán và chuyển nhượng là Chứng khoán Bảo Việt (BVS); tổ chức quản lý tài sản đảm bảo là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Tân Định; tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC. Có 102 nhà đầu tư sơ cấp đã mua trọn 600 tỷ đồng trái phiếu của Hưng Vượng Developer.

Dự án Hodota - khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hodotaresort.

Dự án Hodota - khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hodotaresort.

Chỉ 3 ngày sau khi phát hành thành công trái phiếu, ĐHĐCĐ Hưng Vượng Developer đã có nghị quyết thông qua phương án nhận chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn Cổ Kim Mỹ Nghệ từ một cá nhân là ông Hồ Quang Tâm. Sau đó, Hưng Vượng Developer chuyển cho ông Tâm 230 tỷ đồng theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Không chỉ vậy, Hưng Vượng Developer tiếp tục cho ông Tâm vay 310 tỷ đồng, lãi suất lên đến 20%/năm, hình thức đảm bảo khoản vay là tín chấp.

Đến năm 2022, khoản cho vay 310 tỷ đồng kể trên được chuyển thành khoản thanh toán chuyển nhượng cổ phần. In sách giáo khoa Hoà Phát (thông qua Hưng Vượng Developer) theo đó ghi nhận khoản trả trước cho người bán ngắn hạn với ông Tâm hơn 618 tỷ đồng – nhỉnh hơn một chút so với tổng giá trị trái phiếu HVDCH2123001 (600 tỷ đồng).

Đáng chú ý, tính minh bạch trong việc sử dụng vốn từ lô trái phiếu trên là điều đáng quan tâm khi các giao dịch đề cập có thể chỉ mang tính chất nội bộ. Theo tìm hiểu, ông Hồ Quang Tâm thực chất là một nhân viên chủ chốt của HTP, trước đó hồi năm 2021 ông còn được đề cập là nhân viên một công ty con thuộc HTP.

Điều đặc biệt, dù trái phiếu HVDCH2123001 đã hết kỳ hạn, song nhóm HTP-Hưng Vượng Developer vẫn chưa thể hoàn tất giao dịch nhận chuyển nhượng Cổ Kim Mỹ Nghệ như mục đích phát hành.

Công ty Cổ Kim Mỹ Nghệ vẫn chưa có tên trong danh sách công ty con của Hưng Vượng Developer. Dự án Hohota liên quan cũng không được liệt kê trong danh sách dự án của Hưng Vượng.

Cách nhóm HTP "hút" trái phiếu

Không chỉ Hưng Vượng, HTP cũng đã thông qua nhiều pháp nhân liên quan nhằm huy động vốn từ kênh trái phiếu.

Thống kê cho thấy, các công ty liên hệ với nhóm chủ HTP đã huy động gần 4.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn 2019-2022.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt giai đoạn 27/8-31/8/2020 phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu, với kỳ hạn 48 tháng, lãi suất 12%/năm. Tài sản đảm bảo gồm dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận của Danh Việt (Venezia Beach); toàn bộ 105,3 triệu cổ phần của Danh Việt; và các tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của tổ chức phát hành và/hoặc bên thứ 3.

Danh Việt từ ngày 10/8 – 16/10/2022 còn huy động 44,2 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định 12%/năm. Mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động và nhận chuyển nhượng tòa nhà văn phòng tại địa chỉ số 79/14, đường số 12, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Trong khi đó, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát (Hưng Phát) hồi tháng 12/2020 cũng phát hành thành công 260 tỷ đồng trái phiếu mã HPCH2021001, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 12%/năm.

Tài sản đảm bảo cho HPCH2021001 là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại dự án Khu dân cư tại xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (hay còn có tên gọi là Hưng Vượng Residences), nguồn thu từ hợp đồng tổng thầu thi công dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt, cam kết bảo lãnh thanh toán của Hưng Vượng Developer, phần vốn góp của chủ đầu tư tại dự án Hưng Vượng Residences - Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Long Thượng Lộc.

Dự án Venezia Beach của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt. Ảnh: Veneziabeach.

Dự án Venezia Beach của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt. Ảnh: Veneziabeach.

Tháng 2/2021, Hưng Phát tiếp tục "hút" thành công 250 tỷ đồng trái phiếu HPCCH2122001, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 12%/năm. Tính đến hết năm 2022, Hưng Phát mới thanh toán 234,5 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu, với lý do chậm thu xếp nguồn vốn.

Tháng 7/2023, Xây dựng Hưng Phát cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán về việc công bố thông tin.

Về phía Long Thượng Lộc, công ty này vào tháng 12/2021 cũng thu về 220 tỷ đồng trái phiếu. Đến tháng 4/2023, Long Thượng Lộc thực hiện mua lại 45,5 tỷ đồng trái phiếu, qua đó giảm dư nợ về 174,5 tỷ đồng. Đây cũng chủ đầu tư dự án Khu dân cư xã Trường Bình với quy mô hơn 3,8ha thuộc xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Ngoài các pháp nhân trên, một doanh nghiệp khác liên quan đến nhóm chủ HTP là Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai (UPCoM: DGT) cũng đang gặp khó về trái phiếu.

Cụ thể, DGT vẫn đang chậm thanh toán lãi trái phiếu DGTH2224001 (mệnh giá 350 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm) do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản và lĩnh vực xây dựng công trình.

Theo báo cáo mới nhất, trái chủ của DGT đã đồng ý gia hạn thanh toán lãi các kỳ sau đến ngày 22/2/2026.

Doanh nghiệp cuối cùng trong nhóm hút trái phiếu của nhà HTP là Công ty Cổ phần Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến.

Ngày 27/12/2021, công ty đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 12%/năm. Giống như Xây dựng Hưng Phát, Đức Tiến tính đến hết năm 2022 vẫn chưa thanh toán xong phần gốc trái phiếu với cùng lý do chậm thu xếp nguồn vốn.

Đầu năm nay, Công ty Đấu giá hợp danh Lam Sơn Sài Gòn đã ra thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Kinh doanh đá quý và Trang sức Đức Tiến tại Agribank. Theo đó, dư nợ gốc của doanh nghiệp tính đến nay gần 485 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho toàn bộ khoản nợ đều là các bất động sản.