Các chiến thần livestream bán hàng sẽ ra sao khi Tổng cục Thuế rà soát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Doanh thu 5 tỷ đồng sau 5 phút livestream của Quyền Leo Daily hay việc bán sạch kho hàng chỉ sau 1 giờ của “chiến thần” Võ Hà Linh sẽ được kiểm chứng khi Tổng cục Thuế rà soát toàn diện thương mại điện tử.

Hiện nay, mạng xã hội xuất hiện thông tin nhiều cá nhân livestream bán hàng với doanh số hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên. Họ được tung hô với những tên gọi như “chiến thần livestream”.

Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng.

Hiện tượng “chiến thần” Võ Hà Linh livestream nổi lên gần đây đã khiến nhiều người phải kinh ngạc khi chốt đơn cả kho hàng chỉ trong 1 giờ phát video trực tiếp, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên các nền tảng TikTok, Facebook.

Võ Hà Linh.png
Võ Hà Linh được tung hô như một chiến thần trong livestream bán hàng.

Một hiện tượng khác cũng đang thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng mạng xã hội là tài khoản TikTok Quyen Leo Daily. Tài khoản TikTok này đã đăng tải lên trang cá nhân video ghi lại thời khắc ấn tượng chốt đơn 50 tỷ đồng trong phiên livestream của mình. Sau 17 giờ bán hàng, phiên livestream của Quyen Leo Daily đã thông báo cán mốc 100 tỷ đồng.

Quyen Leo Daily thu hút người mua hàng tại phiên livestream của mình bằng nhiều phần quà như ô tô, máy tính bảng, hay các tấm băng rôn “Mega 100 tỷ ngày 5/5”, “Quyen leo Daily 150 tỷ ngày 5/6”…

Ngoài “chiến thần” Võ Hà Linh, Quyen Leo Daily, nhiều phiên livestream của những cá nhân khác có doanh thu hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng khác vẫn đang diễn ra trên khắp cả nước.

Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế vừa có công điện yêu cầu Cục thuế các địa phương rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ quảng cáo, cung cấp phần mềm cũng nằm trong diện rà soát lần này.

Cùng đó, các đơn vị được yêu cầu rà soát, kiểm tra việc kê khai, nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ.

z5512214407432_ea309b7e7a7bcf6a830aa4b965c6d095.jpg
Tài khoản TikTok Quyen Leo Daily đăng tải lên trang cá nhân video ghi lại thời khắc ấn tượng chốt đơn 50 tỷ đồng trong phiên livestream vào 11 giờ trước.

Người livestream bán hàng sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Tại phiên chất vấn Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 ngày 4/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời nội dung liên quan đến triển khai đồng bộ công tác quản lý thu thuế trên sàn thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử và đối với giao dịch trên môi trường điện tử, tập trung tại 2 thành phố lớn là TP. HCM, TP. Hà Nội.

Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện phối hợp quyết liệt với các bộ/ngành, như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an. Theo đó, bộ đã kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý.

Đồng thời, Bộ Tài chính chia sẻ với Bộ Công Thương thông tin 929 sàn thương mại điện tử và kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý thu. Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó, có 10 triệu tài khoản của các tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân của 96 ngân hàng.

z5512454011713_a34335c724e773d72d4f5ee3ce0d2ad4.jpg
Vợ chồng Quyen Leo Daily trong buổi livestream

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử đã tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2022 thu được 83.000 tỷ đồng, năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng. Đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple… kê khai và nộp thuế trên Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài là 15.600 tỷ đồng.

Liên quan đến phần trả lời chất vấn cùng nội dung, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, tuy con số nộp thuế từ hoạt động thương mại điện tử năm 2023 đã tăng lên 16% so với năm 2022, nhưng vẫn có sự thất thu thuế trong thương mại điện tử.

Đối với giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, bộ sẽ tích cực phối hợp với ngành Thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 5/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu, có thể phát sinh thu nhập.

Khi đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật về thuế cũng như chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế. Cá nhân livestream bán hàng nộp thuế thu nhập cá nhân. Hộ kinh doanh livestream bán hàng có thể nộp thuế khoán hoặc kê khai thuế.

Về kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (gồm hoạt động livestream bán hàng), Bộ Tài chính cho biết năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, với số thuế đã nộp là trên 83.000 tỷ đồng; năm 2023, doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã thu là trên 97.000 tỷ đồng.