UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng cho chủ đầu tư là CTCP Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành) và JFE Engineering Corporation (Nhật Bản).
Theo đó, nhà máy này có công suất xử lý chất thải rắn tối đa 500 tấn/ngày đêm; công suất phát điện từ 11 – 13 MW. Quy mô thực hiện dự án khoảng 4,8 ha tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.348 tỉ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 269 tỉ đồng (Thuận Thành góp 60%, JFE Engineering Corporation góp 40%). Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý 4/2023.
Về chủ đầu tư, Thuận Thành là một trong số các công ty xử lý rác thải công nghiệp lớn ở phía Bắc. Công ty này là đối tác giúp Samsung giải quyết vấn đề rác thải ở 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Thuận Thành luôn duy trì khoản doanh thu hàng năm đạt trên 1.000 tỉ đồng, đồng thời biên lợi nhuận cũng luôn ở mức cao.
Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Thuận Thành lần lượt đạt 1.052 tỉ đồng và 1.206 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 406 tỉ đồng và 379 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận khoảng 30-40% - tức cứ 3 đồng doanh thu, Thuận Thành lại thu về hơn 1 đồng lãi.
Hai năm tiếp theo, dù ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, song khoản lợi nhuận của Thuận Thành lại giảm đi đáng kể. Năm 2019, Thuận Thành ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.548 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 168 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 10%.
Thuận Thành được thành lập vào tháng 4/2009, trụ sở chính đặt tại thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Vũ Mạnh Tiến (SN 1979).
Tại ngày 21/6/2016, Thuận Thành có vốn điều lệ 200 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Vũ Văn Đắc (nắm giữ 55% cổ phần), ông Nguyễn Trọng Khánh (40%) và bà Nguyễn Thị Thoa (5%).
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thuận Thành đạt 1.945 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.304 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 27% và 14% so với thời điểm đầu năm.
Ngoài Thuận Thành, nhóm cổ đông của ông Vũ Văn Đắc (SN 1966) còn sở hữu cổ phần tại một số doanh nghiệp khác cùng ngành như Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh, CTCP Đầu tư Công nghiệp và TMDV Tân Yên, Công ty Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi Sao Xanh – TNHH…
Khác với Thuận Thành, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của Công ty Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi Sao Xanh – TNHH chỉ ở mức thấp |
Bên cạnh đó, như VietTimes đã từng đề cập, con trai của ông Đắc – ông Vũ Ngọc Tú (SN 1989) là cổ đông sáng lập, nắm giữ 99,9% cổ phần của CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings) – đơn vị tham gia hàng loạt thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ngành nước./.