“Kỳ tích” Thái Nguyên qua các con số
Tháng 3/2013, Samsung chính thức khởi công Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Thái Nguyên, với hạt nhân là nhà máy Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT). Sự kiện đánh dấu sự chuyển mình - mà giới truyền thông khi ấy vẫn thường được gọi là “kỳ tích” - của tỉnh Thái Nguyên.
Quả thực, không có gì chứng minh sự hiệu quả của dự án này bằng các con số thống kê.
Theo đó, liên tiếp hai năm (2013 và 2014), Thái Nguyên là quán quân cả nước về quy mô vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhấn mạnh là trước đó, tỉnh Thái Nguyên gần như không tạo được dấu ấn đáng kể nào trên bảng xếp hạng.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 20112 – 2017, thu hút đầu tư FDI ở Thái Nguyên đã tăng gấp 6 lần về số lượng và tăng xấp xỉ 70 lần về vốn đầu tư so với cả giai đoạn 1993 – 2012.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) bình quân 20 năm (từ 1997 – 2017) đã đạt 11%/năm. Tính riêng giai đoạn 5 năm (từ 2012 – 2017), tăng trưởng GRDP bình quân đạt 16,7%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 9,85%.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tại tỉnh Thái Nguyên năm 2017 cũng lọt vào “top” các địa phương cao nhất cả nước, với mức thu nhập 8,74 triệu đồng/tháng.
Tôn vinh những “kỳ tích” đó của Thái Nguyên không thể không nhắc tới Samsung, nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Sự đóng góp của Samsung không chỉ "nhãn tiền" ở tổ hợp nhà máy có số vốn FDI kỷ lục. Nó còn là cục nam châm, hấp dẫn và kéo theo sự đầu tư của hàng trăm nhà cung cấp khác, trước tiên là phục vụ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cho tập đoàn này.
Tỉnh Thái Nguyên, vì thế, được hưởng lợi rõ rệt và trở thành điểm sáng trong thu hút FDI của cả nước.
Dấu ấn của Hoàng Thịnh Đạt
Có một điểm đặc biệt vẫn thường được nhắc tới khi Samsung đầu tư vào Thái Nguyên. Đó là thay vì lựa chọn một nơi đã đầy đủ hạ tầng, Samsung lại lựa chọn Khu công nghiệp Yên Bình – cái tên mà một năm trước đó mới được bổ sung vào quy hoạch công nghiệp cả nước.
Khu công nghiệp này dường như được lập ra để đón Samsung, khi mà siêu tập đoàn này chính là vị khách đầu tiên và cũng là lớn nhất của nó.
Từ những bước khởi đầu thuận lợi, cho đến nay, Samsung đã thuê 200 ha đất tại Khu công nghiệp Yên Bình để phát triển tổ hợp công nghệ cao, với tổng quy mô đăng ký đầu tư gần 77 tỷ USD.
Được biết, Khu công nghiệp Yên Bình nằm trong Dự án tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình (Tổ hợp Yên Bình), với tổng quy mô hơn 8.000 ha, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Yên Bình (Yên Bình Corp - YBI) làm chủ đầu tư.
Vị trí đắc địa của Khu công nghiệp Yên Bình (Nguồn: htdcorp.vn)
|
Như đã nói, ngoài khu công nghiệp, dự án Tổ hợp Yên Bình còn có nhiều hạng mục, tổ hợp công trình khác với nguồn vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Trong đó, có thể kể đến các dự án như: Dự án nhà máy nước Yên Bình với quy mô công suất 150,000 m3/ ngày-đêm với tổng vốn đầu tư là 1,200 tỷ đồng hiện đang được xây dựng tại khu vực hồ Núi Cốc; Dự án khu nông nghiệp kỹ thuật cao Agropark Yên Bình có diện tích 295 ha, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị thông minh Yên Bình có diện tích 90 ha, tổng vốn đầu tư 8.500 tỷ đồng; hay Dự án sân golf yên Bình, rộng 180 ha, có 36 lỗ được dự kiến khởi công xây dựng vào Quý 1/2015.
Theo tìm hiểu, dự án Tổ hợp Yên Bình là kết quả của sự hợp tác giữa Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt (Hoàng Thịnh Đạt) và Công ty Cổ phần An Phú Long (An Phú Long - APLC), bên cạnh các đối tác khác trong và ngoài nước.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, chủ đầu tư Yên Bình Corp được thành lập ngày 16/10/2008, có địa chỉ tại Khu đô thị dịch vụ công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc là ông Hoàng Văn Long, sinh năm 1974, có địa chỉ thường trí tại Khu nhà ở Xuân Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Cơ cấu cổ đông sáng lập của Yên Bình Corp bao gồm: Hoàng Thịnh Đạt (góp 380 tỷ đồng – chiếm 38%); An Phú Long (góp 517,5 tỷ đồng – chiếm 51,7%), bà Vũ Thị Thảo (góp 100 tỷ đồng – chiếm 10%).
Tuy nhiên, theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 18/7/2018, An Phú Long và bà Vũ Thị Thảo đã thực hiện triệt thoái vốn khỏi Yên Bình Corp. Đồng thời, số vốn góp của Hoàng Thịnh Đạt cũng tăng thêm 250 triệu đồng, nâng tỷ lệ sở hữu lên 38,25%.
Được biết, công ty Hoàng Thịnh Đạt được thành lập vào ngày 5/3/2004, vốn điều lệ 638 tỷ đồng, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Tầng 9, tòa nhà VEAM Tây Hồ, lô D, khu D1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hoàng Thịnh Đạt là ông Hoàng Văn Dương, sinh năm 1971, có địa chỉ thường trú tại khu tập thể Đại học giao thông vận tải, phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội.
Còn Công ty An Phú Long được biết đến là một trong những chủ đầu tư nội địa của Dự án thành phố Aqua (Aqua City), thông qua phần vốn góp vào Công ty Cổ phần thành phố Aqua, bên cạnh Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop). Đối tác nước ngoài là Tập đoàn Tung Shing (Tung Shing Group) và Vinacapital.
"Lộ diện nhà đầu tư đã trả 45,2 triệu USD cho VinaCapital để mua Aqua City" |
Cổ đông còn lại là bà Vũ Thị Thảo, sinh năm 1975, hiện là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Phúc Hoàng An.
Những bước phát triển mới
Bên cạnh dự án Tổ hợp Yên Bình, Hoàng Thịnh Đạt còn đầu tư vào Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc được quy hoạch và phát triển trên diện tích 2,566 ha (gồm cả mặt nước) thuộc huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên, với các hạng mục công trình như: khách sạn cao cấp 300 phòng, khu biệt thự biệt lập 130 căn hộ, khu vui chơi giải trí, khu du lịch trải nghiệm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.500 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Hoàng Thịnh Đạt còn là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất với quy mô 1.535 ha, hiện đang được triển khai tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thuộc Khu kinh tế Dung Quất, với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất - Quảng Ngãi do Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư (Nguồn: htdcorp.vn)
|
Giai đoạn 1 của dự án diễn ra dự kiến từ Quý 2/2016 đến Quý 2/2022 nhằm đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp và Khu đô thị. Giai đoạn 2 dự kiến diễn ra từ Quý 3/2022 đến Quý 2/2017 với mục tiêu xây dựng Nhà máy nước có công suất 125.000 m3/ngày – đêm và Trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 100.000 m3/ngày – đêm.
Tại tỉnh Nghệ An, Hoàng Thịnh Đạt cũng để lại dấu ấn với Dự án khu công nghiệp Hoàng Mai được triển khai tại thị xã Hoàng Mai. Trên trang chủ, Hoàng Thịnh Đạt cho biết dự án đã hoàn thành toàn bộ phần kết cấu hạ tầng xây dựng và đang thu hút đông đảo các nhà đầu tư đến với khu công nghiệp.
Cũng trên địa bàn xã Hoàng Mai, Hoàng Thịnh Đạt còn là chủ đầu tư Dự án nhà máy nước Hoàng Mai với quy mô công suất 80.000 m3/ngày-đêm và tổng vốn đầu tư là 950 tỷ đồng.
Không chỉ riêng tại Hoàng Mai, nước sạch là một trong những lĩnh vực mà Hoàng Thịnh Đạt đã tích lũy được nhiều dự án như: Nhà máy nước Phúc Bình với công suất 500,000 CMD tại tỉnh Vĩnh Phúc; Nhà máy nước Hồ Núi Cốc với công suất 150,000 CMD tại tỉnh Thái Nguyên; Nhà máy nước Hoàng Mai với công suất 80,000 CMD tại tỉnh Nghệ An; Nhà máy nước Quảng Ngãi với công suất 50,000 CMD tại tỉnh Quảng Ngãi.
Với các dự án vừa điểm, có thể thấy, Hoàng Thịnh Đạt giờ đã trở thành một tập đoàn kinh tế tầm cỡ ở Việt Nam. Sẽ không quá lời khi nói rằng, sự lựa chọn và mối hợp tác với Samsung - tập đoàn kinh tế số 1 Hàn Quốc và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam - đã đóng góp một phần đáng kể vào sự trưởng thành của Hoàng Thịnh Đạt.
Gần đây, có thông tin cho rằng Samsung đang đề xuất xây dựng thêm một nhà máy nữa tại Việt Nam.
Liệu đây có phải là cơ hội mới cho một Hoàng Thịnh Đạt thứ 2 (!?). Hãy cùng chờ đợi sự lựa chọn lần này của Tập đoàn Samsung./.