Hãng tin Bloomberg cho biết, số robot được giao hàng ở Trung Quốc trong năm 2016 đã tăng 27%, đạt mức khoảng 90.000 con - thiết lập kỷ lục thế giới và chiếm khoảng 1/3 tổng số robot được giao hàng trên toàn cầu. Theo dự báo của Liên đoàn Robot quốc tế (IFR), số robot được giao hàng ở Trung Quốc vào năm 2019 sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2016, đạt 160.000 con.
Số lượng robot lớn như vậy đến nay chưa có ảnh hưởng đến tiền lương của người lao động ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một báo cáo mới được Bloomberg Intelligence (BI) - bộ phận nghiên cứu của Bloomberg - đưa ra tuần này nói rằng cuộc cách mạng robot ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có thể tác động đến kinh tế toàn cầu.
Tự động hóa có thể thúc đẩy sự gia tăng năng suất và tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu, nhưng việc sử dụng ngày càng nhiều robot cũng dẫn tới nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc, khiến hoạt động tiêu dùng ở nước này suy yếu. Điều đó có thể có ảnh hưởng lan rộng vượt qua khỏi biên giới Trung Quốc - theo các chuyên gia kinh tế.
“Bằng cách làm cho nguồn cung tăng mạnh và gây sức ép giảm đối với nhu cầu, tự động hóa có thể khiến Trung Quốc càng phụ thuộc nhiều hơn vào mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên xuất khẩu, theo đó đe dọa những tia hy vọng về một nền kinh tế trong nước và toàn cầu cân bằng hơn”, hai chuyên gia kinh tế Tom Orlik và Fielding Chen của BI nhận định.
Theo báo cáo, trong cuộc cách mạng robot, lợi ích của gia tăng năng suất có khuynh hướng rơi vào tay những người sở hữu vốn, trong khi phần thiệt thuộc về công nhân. Kết quả như vậy sẽ là tin xấu cho túi tiền của các hộ gia đình và cản trở sự dịch chuyển tới một nền kinh tế dựa trên tiêu dùng ở Trung Quốc.
Đến nay, đà tăng lương ở Trung Quốc chưa chịu ảnh hưởng của tự động hóa. Công nhân với bằng phổ thông trung học làm việc tại các nhà máy ở nước này được tăng lương 53% trong thời gian từ 2010-2014, theo số liệu của China Household Finance Survey.
“Việc sử dụng ngày càng nhiều robot sẽ là tin xấu đối với những công nhân có kỹ năng tầm trung, đặc biệt là những người làm việc trong những ngành với công việc lặp đi lặp lại vốn được coi là mảnh đất cho tự động hóa”, hai chuyên gia kinh tế của BI viết.
“Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương ở Trung Quốc vẫn giữ tốc độ cao, và công nhân với kỹ năng tầm trung làm những công việc lặp đi lặp lại vẫn đang là những người được tăng lương nhiều hơn mức trung bình chung”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người đề xuất ý tưởng “cách mạng robot” vào năm 2014. Tiếp đó, robot là trọng tâm trong chiến lược Made in China 2025 (Sản xuất ở Trung Quốc 2025) mà Chính phủ nước này đưa ra mới đây.
Chiến lược này nhằm hiện đại hóa các nhà máy, nâng cao mức độ tự động hóa và áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Những ngành mà Trung Quốc ưu tiên tự động hóa bao gồm sản xuất ôtô, hàng điện tử, thiết bị gia dụng, hậu cần, và thực phẩm.
Việc thay thế các công nhân dây chuyền bằng người máy được dự báo sẽ giúp bù đắp cho lực lượng lao động đang lão hóa của Trung Quốc. Và dù Trung Quốc có đang thu hẹp khoảng cách với những quốc gia dẫn đầu thế giới về tự động hóa như Hàn Quốc và Singapore, thì mức độ bão hòa robot ở nước này có lẽ còn lâu mới đạt tới. Cũng theo IFR, mật độ robot ở Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới.
Thị trường robot ở Trung Quốc hiện nay có quy mô khoảng 11 tỷ USD. Chính phủ nước này đang muốn tăng thị phần của robot mang thương hiệu trong nước lên mức 50% vào năm 2020, từ mức 32% trong năm ngoái. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu sản xuất 100.000 robot mỗi năm vào năm 2020, so với mức 33.000 robot vào năm 2015.
Điều này đồng nghĩa với việc mức độ cạnh tranh sẽ trở nên căng thẳng hơn đối với các công ty nước ngoài hiện cung cấp 67% số robot ở Trung Quốc, như Funuc Corp và Yaskawa Electric Corp của Nhật Bản - BI cho biết.