Cách mạng công nghiệp 4.0: cần hỗ trợ đưa smartphone 4G giá rẻ ra thị trường

Theo đại diện Viettel, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị khác trong sản xuất hoặc nhập khẩu máy đầu cuối 4G (smartphone, tablet) giá rẻ để cung cấp cho thị trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mức độ sẵn sàng ở mức trung bình thấp

Trao đổi tại hội thảo “Hạ tầng viễn thông băng rộng trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 13/7, dẫn lại nghiên cứu của Bộ KH&CN công bố tháng 4/2017, ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ TT&TT) cho hay mức độ sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp.

Thực tế được thể hiện qua các chỉ số cạnh tranh toàn cầu, đổi mới sáng tạo toàn cầu, sẵn sàng kết nối mạng, cạnh tranh sản xuất toàn cầu. Còn theo các xu hướng công nghệ, IoT ở mức trung bình; còn lĩnh vực giao thông thông minh, robotics, in 3D, vật liệu tiên tiến, sensor, năng lượng tái tạo… ở mức thấp.

Về nguồn nhân lực, mặc dù học sinh, sinh viên Việt Nam được đánh giá có ưu thế về các môn học STEM, nhưng các chỉ số đánh giá của quốc tế những năm gần đây về chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu cho thấy, nhân lực của Việt Nam cơ bản vẫn chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, chưa tương đương nhóm ASEAN 4.

Cùng đó, năng suất lao động Việt Nam năm 2015 chỉ bằng 4,4% Singapore, 17,4% Malaysia, 35,2% Thái Lan và 48,5% Philippin. Vì vậy, nguy cơ mất việc làm do áp dụng những tiến bộ của tự động hóa ở Việt Nam sẽ rất cao.

Về hạ tầng băng rộng tại Việt Nam, tính đến tháng 5/2017, số thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 9,9 triệu, Internet băng rộng di động đạt hơn 49 triệu thuê bao… Đến hết năm 2016 thuê bao 3G phát sinh lưu lượng đạt 48 triệu từ năm 2016 Việt Nam có 4 doanh nghiệp được cấp phép triển khai mạng 4G LTE.

Hiện tổng băng thông Internet trong nước là 3020 Gbps, tổng băng thông đi quốc tế 3820 Gbps đi quốc tế. Việt Nam hiện có 83000 trạm phát sóng 3G của các nhà mạng; khoảng 43.000 trạm 4G, phủ sóng 95% dân số.

Trước thực tế những thách thức và thuận lợi nói trên, ông Lê Xuân Công cho rằng, lĩnh vực CNTT-TT là hạ tầng của các ứng dụng trong tất cả các ngành, lĩnh vực kỉnh tế, xã hội, do đó cần tập trung cao độ và đi thẳng vào công nghệ cao; nghiên cứu, rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách theo hướng thúc đẩy phát triển nền kinh tế số nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cần có chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu các công nghệ IoT, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, VR/AR, đảm bảo an toàn thông tin mạng, nhà nước tiên phong ứng dụng các sản phẩm CNTT trong nước.

“Tiếp tục gắn kết chiến lược phát triển phù hợp với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0, nhanh chóng triển khai hạ tầng băng rộng cố định và di động. Đẩy mạnh phát triền các nền tảng số nhằm tạo lập hệ sinh thái mở rộng cho cộng đồng các doanh nghiệp cùng phát triển”, đại diện Vụ KH&CN nhấn mạnh.

Trao đổi thêm tại hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện nhấn mạnh hiện nay tiêu chuẩn kết nối trong công nghiệp, quan trắc môi trường và một số lĩnh vực đời sống khác chủ yếu là công nghệ LoRa (băng tần 125-500kHz) và SigFox (200kHz) khả năng chống nhiễu và bảo mật hạn chế.

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối IoT sẽ chiếm tỷ trọng lớn của mạng di động trong tương lai, đòi hỏi số lượng kết nối rất lớn và độ trễ rất thấp. Do đó tương lai sẽ phổ biến sử dụng công nghệ LTE-M (1.4 MHz) và NB-IoT (200kHz) với tính bảo mật cao, khả năng chống nhiễu được đảm bảo, tận dụng được hạ tầng di động sẵn có…

“Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp viễn thông di động có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng và cung cấp dịch vụ kết nối theo tiêu chuẩn công nghệ mới. Cần có sự quy hoạch lại để đảm bảo kết nối, đảm bảo sự trung lập, hài hòa”, ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.

Cần hỗ trợ đưa thiết bị 4G giá rẻ ra thị trường

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đánh giá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều thách thức cũng đang được đặt ra cho các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, đó là vấn đề về chuẩn hóa trong kết nối giữa các hệ thống công nghệ, vấn đề đảm bảo an toàn an ninh, sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nghiệp… Đối với cơ quan quản lý nhà nước đòi hỏi có chính sách quy hoạch và cấp phép tần số phù hợp, chính sách đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các smart factory (nhà máy thông minh), IoT…

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, những dịch vụ như video đòi hỏi phải có băng thông lớn, tốc độ cao, do đó đại diện Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần xây dựng chính sách với từng dịch vụ để đảm bảo hiệu quả của sự phát triển.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel, doanh nghiệp này quan niệm để triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 thành công mỗi gia đình có 1 đường kết nối cáp quang, mỗi một vật phải có 1 đường kết nối… Viettel đề xuất cần mở rộng khái niệm và có chính sách sử dụng hạ tầng viễn thông thụ động một cách hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng mạng lưới.

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, theo ông Thắng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị khác trong sản xuất hoặc nhập khẩu máy đầu cuối 4G (smartphone, tablet) giá rẻ để cung cấp cho thị trường.

Theo ICTNews
http://ictnews.vn/vien-thong/cach-mang-cong-nghiep-4-0-can-ho-tro-dua-smartphone-4g-gia-re-ra-thi-truong-156130.ict