Các trường muốn tự chủ Đại học: điều gì là quan trọng nhất?

VietTimes -- Ngày 17/8/2018 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo với chủ đề "Giáo dục Đại học - Chuẩn hóa và Hội nhập Quốc tế". Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. 
Toàn cảnh hội thảo "Giáo dục Đại học - Chuẩn hóa và Hội nhập Quốc tế". Ảnh: TTXVN.

Thep Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công công cuộc đổi mới. Nhưng nay trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu toàn cầu hóa, quốc tế hóa thì đó vừa là thời cơ, vừa là thách thức khiến GDĐH Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước mà còn để hội nhập, cạnh tranh.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng không thể đứng ngoài thế giới, bắt buộc chúng ta phải hội nhập... “Trong đó, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, tự chủ đại học và giải trình công khai là quan trọng nhất”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã nói đến tự chủ đại học từ khi thành lập Đại học Quốc gia, nhưng đến năm 2014 chúng ta mới có 23 trường tự chủ theo Nghị định 77. Tuy nhiên, mới là tự chủ một phần, chưa đúng với thông lệ quốc tế.

Điểm lại nguyên nhân khiến tự chủ đại học ở Việt Nam chưa đúng thông lệ quốc tế, Phó Thủ tướng cho rằng xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước, từ chính các trường đại học vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp và một phần từ người học và xã hội.

Tuy nhiên, dù còn khó khăn nhưng hầu như các trường đều mong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành thật sớm để chính thức hóa việc này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: TTXVN 

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một trong những băn khoăn lớn nhất hiện nay là cho tự chủ, các trường cứ thế tăng học phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học cũng như phần tài sản, đất đai… của trường đại học sẽ bị thao túng. 

Tuy nhiên, thực tế thì các trường đại học trên thế giới đã có hướng giải quyết điều này.

“Tự chủ tài chính, chúng ta một mặt có cơ chế học bổng dành cho sinh viên diện chính sách và con nhà nghèo. Mặt khác, tự chủ không có nghĩa là nhà nước không cấp ngân sách nữa mà dùng kinh phí từ ngân sách để đặt hàng đào tạo”, Phó Thủ tướng nêu.

Còn theo nhiều ý kiến, quan trọng nhất trong tự chủ với các đại học là tự chủ về chương trình đào tạo để theo kịp với cách mạng công nghiệp 4.0. Còn tự chủ về tài chính thực ra cũng chỉ để phục vụ việc tự chủ về chương trình đào tạo mà thôi. Đáng tiếc là trong thực tế, các nhà trường mới chỉ nhấn mạnh đến tự chủ về tài chính mà chưa thực sự điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo để theo kịp với thực tiễn. Và cũng phải đề cập đến một thực tế là khi nguồn thu của phần lớn các đại học là từ học phí do sinh viên đóng thì chưa thể nói đến chất lượng cao và các trường cần phải chủ động hợp tác với doanh nghiệp.

Cũng cần đề cập là từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đến nay, ngoài hệ thống các đại học công lập, còn có cả một số lượng đông đảo các đại học ngoài công lập. Mặc dù các đại học ngoài công lập hoàn toàn phải tự chủ về tài chính nhưng theo GS TS Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng Đại học Hòa Bình thì việc phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phải là việc của nhà nước. Cụ thể, nhà nước phải quản lý và điều tiết hệ thống này bằng chính sách và giám sát chất lượng. Bên cạnh đó, các trường cũng cần được vay tín dụng của nhà nước và thuê cơ sở vật chất về giảng đường, phòng thí nghiệm...

Thêm một vấn đề nữa là về chính sách xóa bỏ chủ quản với các đại học quốc lập và thay vào đó là mô hình hội đồng trường. Tuy nhiên, theo GS TS Trần Đức Phiên - Chủ tịch Hội đồng trường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì vai trò của hội đồng trường hiện còn khá mờ nhạt, chưa thực sự phát huy được vai trò. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc xóa bỏ chủ quản với các đại học quốc lập là việc tất yếu phải làm. Không thể lấy lý do là chưa tổ chức được hội đồng trường đủ mạnh để trì hoãn việc này. 

Đứng trên góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng ban Nghiên cứu Sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác thì sinh viên sau khi tốt nghiệp đến làm việc ở Viettel đều phải đào tạo lại. Ông mong muốn, chuẩn đầu vào của doanh nghiệp phải là chuẩn đầu ra của các đại học. Tức là có trình độ chuyên môn cập nhật, giỏi ngoại ngữ, có đủ các kỹ năng mềm cần thiết... Tất nhiên, muốn kỳ vọng điều đó thì Viettel cũng đã chủ động hợp tác và đầu tư vào các đại học. 

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: TTXVN

Tổng kết hội thảo, PGS TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, ban tổ chức sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp bên cạnh hơn 70 tham luận đã được gửi đến từ trước. Đây sẽ là một bộ tài liệu hữu ích, góp nhiều ý tưởng cho việc xây dựng chính sách phát triển GDĐH thời gian tới và gần nhất là việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2018 tới đây.