Các tập đoàn lớn của Việt Nam bắt nhịp xu hướng livestream trên TikTok

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tại Đại hội cổ đông hôm 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ nói rằng ông đã thức đến 3 giờ sáng để nghiên cứu về TikTok và muốn livestream bán tôn và thép trên nền tảng này. 

Ông Vũ đã nói với các thành viên Ban quản trị cũng như các cổ đông rằng chiến lược bán hàng sắp tới của tập đoàn sẽ dựa trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok.

"Tôi đã gấp rút lập ban TikTok sau chuyến công tác Trung Quốc. Nhất định phải livestream", ông Vũ quả quyết nói.

Ông Vũ nói rằng chuyến công tác tại Trung Quốc 2 tuần đã tạo cho ông cơ hội để trải nghiệm tính năng bán hàng trên TikTok. Hầu hết thời gian di chuyển trên tàu xe ông đều nghiên cứu về TikTok, thậm chí ông từng thức tới 3h sáng để xem livestream bán hàng trên nền tảng này.

Sau khi trở về Việt Nam, ông Vũ đã quyết tâm đẩy mạnh chiến lược bán hàng trực tuyến.

"Hơn 500 cửa hàng của Hoa Sen giờ chỉ là điểm giao dịch cho những người bán lẻ còn sắp tới chúng tôi phải bán trực tuyến qua ứng dụng, website và thanh toán bằng điện thoại. Khách hàng không cần tới tận nơi mua, chúng tôi sẽ giao hàng tận nhà", ông Vũ nói.

Vị Chủ tịch của Tập đoàn Hoa Sen cũng nhấn mạnh rằng khách hàng sẽ nhận được hàng hóa mình đặt mua qua nền tảng online của Hoa Sen trong vòng 24 tiếng.

Cho đến trước khi đưa ra tuyên bố trên, các nền tảng mạng xã hội của Tập đoàn Hoa Sen như Facebook, TikTok, YouTube chưa hề triển khai các buổi bán hàng livestream. Thay vào đó, các nền tảng này chỉ đăng tải "Mái ấm gia đình Việt" - chương trình hỗ trợ các gia đình khó khăn cũng như cấp học bổng cho các em nhỏ hiếu học.

Các mặt hàng của Tập đoàn Hoa Sen được đưa lên trang web Hoasenhome, với đa dạng các sản phẩm từ vật liệu xây dựng cơ bản cho đến các vật liệu xây dựng hoàn thiện, thiết bị điện dân dụng...

Việc bán hàng trên nền tảng TikTok Shop vốn được các shop quy mô nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ưa chuộng, nhưng gần đây đã xuất hiện cả các doanh nghiệp quy mô lớn.

Hồi cuối tháng 2 vừa qua, hãng xe điện VinFast đã từng phối hợp với streamer nổi tiếng PewPew thực hiện 2 buổi livestream bán hàng vào lúc 19h. Các phiên bán hàng trực tuyến ước tính mang về cho VinFast hơn 3 tỉ đồng với nhiều mẫu xe máy điện được khách hàng đặt mua nhờ mức trợ giá rất tốt từ VinFast và TikTok.

Cuối năm ngoái, vào thời điểm dòng iPhone 15 ra mắt, FPT Shop cũng đã thực hiện livestream trên nền tảng TikTok Shop. Người tham dự sự kiện online kéo dài tới 15 tiếng này có cơ hội trở thành 1.000 khách hàng may mắn được mua các máy dòng iPhone 15 với giá cực kỳ ưu đãi.

bieu-do-thi-phan-doanh-thu-cac-san-tmdt-3962.jpg
Thị phần doanh thu các nền tảng thương mại điện tử (nguồn: The Metric)

Ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam (VietNipa), cho biết nhờ tham gia bán hàng trên TikTok Shop một năm nay mà sản phẩm mật dừa nước của công ty được nhiều khách hàng biết đến.

Di Động Việt, một thương hiệu kinh doanh điện thoại khá nổi tiếng là một trong những nhà bán hàng đạt doanh số dẫn đầu nền tảng TikTok Shop hơn một năm qua. Với giá trị đơn hàng cao, trung bình trên 10 triệu đồng mỗi đơn, doanh thu của Di Động Việt từ TikTok Shop đã ngang bằng tổng tất cả các kênh online và thương mại điện tử khác.

Theo báo cáo được TikTok thực hiện về hành vi mua sắm của người dùng tại Việt Nam dịp cuối năm 2023, 69% người xem TikTok đã tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ; 84% người xem bị thuyết phục để mua sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu trên nền tảng này.