|
Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ đã ngăn cản bán chip và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc (Ảnh: Reuters). |
Theo The Wall Street Journal ngày 13/10, các nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ đang sơ tán nhân viên khỏi một nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Trung Quốc và tạm dừng các hoạt động kinh doanh tại đó. Các nhà cung cấp này hiện đang gấp rút đánh giá tác động của các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn mới của Bộ Thương mại Mỹ.
Những người thạo tin cho biết, Công ty Công nghệ thẻ nhớ Dương Tử (Yangtze Memory Technologies Co., YMTC) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng ngừng hỗ trợ từ các nhà cung cấp chính như KLA Corp. (KLAC) và Lam Research Co. (LRCX). Việc đình chỉ này diễn ra sau khi Mỹ áp đặt các hạn chế toàn diện đối với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc vào tuần trước. Các biện pháp hạn chế được đưa ra nhằm ngăn chặn công nghệ của Mỹ được sử dụng để thúc đẩy sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng có thể có tác động sâu rộng hơn đến ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Những người này cho biết, các nhà cung cấp của Mỹ trong những ngày gần đây đã đình chỉ hỗ trợ cho các thiết bị đã được lắp đặt của YMTC và tạm ngừng việc lắp đặt và vận hành thử thiết bị mới. Những người này nói, các nhà cung cấp cũng đã tạm thời triệt thoái các nhân viên của họ khỏi nhà máy của YMTC.
|
Các nhân viên các nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ đã triệt thoái khỏi Công ty YMTC ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (Ảnh: Sina). |
Hôm thứ Tư (12/10), nhà cung cấp thiết bị chế tạo chip Applied Materials Inc. (AMAT) đã cắt giảm dự báo doanh thu quý hiện tại khoảng 400 triệu USD, với lý do các biện pháp hạn chế. AMAT là một trong những nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất thế giới và có nhiều khách hàng bao gồm các nhà sản xuất chip lớn của Trung Quốc. Hơn 27% doanh thu quý II, tương đương gần 1,8 tỷ USD, đến từ Trung Quốc. Một phần lớn doanh số bán hàng này thuộc về các công ty đa quốc gia kinh doanh tại Trung Quốc, dự kiến những công ty sẽ được miễn kiểm soát nhắm vào các nhà sản xuất chip Trung Quốc.
Các hãng sản xuất thiết bị chip của Mỹ có ít nhất mấy chục nhân viên sang ở và làm việc tại các nhà máy của YMTC. Họ đóng một vai trò then chốt trong việc vận hành của nhà máy và phát triển năng lực sản xuất, mang tới các kiến thức chuyên môn về các công cụ sản xuất chip công nghệ cao. Nếu thời gian tạm ngừng kéo dài, những khách hàng như YMTC sẽ không có được các công nghệ tương lai cần thiết để nâng cấp, kỹ năng bảo trì chuyên nghiệp và phát triển chip.
Cả YMTC, KLA và Lam Research đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Mặc dù các động thái này có thể chỉ là tạm thời, nhưng chúng phản ánh trực tiếp sự gián đoạn kinh doanh mà các nhà sản xuất chip Trung Quốc và các nhà cung cấp công nghệ của Mỹ phải đối mặt khi Mỹ leo thang nỗ lực hạn chế ngành công nghiệp bán dẫn non trẻ của Trung Quốc. Các biện pháp hạn chế gần đây của Mỹ đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hạn chế cung cấp chip và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc, là hành động đàn áp quy mô rộng nhất mà Mỹ từng thực hiện cho đến nay. Thử so sánh thì thấy, các hành động trước đây của Mỹ thường chỉ nhắm mục tiêu vào các công ty riêng lẻ và các danh mục công nghệ tương đối hẹp.
|
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo hôm 7/10 công bố các biện pháp quản chế mới nhằm vào ngành chip Trung Quốc (Ảnh: WSJ). |
Các hạn chế mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 7/10 yêu cầu các nhà sản xuất phải được cấp giấy phép mới có thể cung cấp chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip cho các nhà máy Trung Quốc. Nếu nhà máy liên quan thuộc sở hữu của công ty của Mỹ và đồng minh, các giấy phép sẽ được quyết định trên cơ sở từng trường hợp; nếu các nhà máy được đề cập thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc thì việc xin cấp phép sẽ đối mặt với sự từ chối.
Dự kiến một số đồng minh của Mỹ sẽ nhận được sự miễn trừ, có thể duy trì các nhà máy của họ ở Trung Quốc hoạt động. Công ty SK Hynix Inc. của Hàn Quốc là công ty đầu tiên được tiết lộ có được sự miễn trừ như vậy.
Các nhà sản xuất thiết bị của Mỹ đang đánh giá những bước cần thiết để tuân thủ các hạn chế mới đối với việc làm việc với khách hàng Trung Quốc và tác động từ trung đến dài hạn vẫn chưa chắc chắn, những người này cho biết.
Theo phân tích của Công ty tư vấn Boston Consulting Group, các công ty Mỹ thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu về thiết bị sản xuất chip, với tổng thị phần là 41%, trong khi thị phần của Trung Quốc chỉ không quá 5%.
Các biện pháp của Bộ Thương mại Mỹ có tầm ảnh hưởng sâu rộng vì chúng hạn chế khả năng của “người Mỹ” trong việc nghiên cứu phát triển hoặc sản xuất một số loại chip tiên tiến nhất ở Trung Quốc.
Kevin Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ và là đối tác của công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP, nói: "‘Người Mỹ’ sẽ bao gồm những người có hộ chiếu và thẻ xanh Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ”.
KLA nổi tiếng về thiết bị kiểm tra và thử nghiệm, và Tập đoàn Lam Research nổi tiếng với máy khắc; một nhà cung cấp lớn khác của Mỹ cho ngành công nghiệp chip của Trung Quốc là Applied Materials Inc. (AMAT), sản xuất các công cụ bao gồm các công cụ để lắng lớp vật liệu trên bề mặt tấm wafer; đều là các bước then chốt trong sản xuất chip. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ba nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ, đóng góp khoảng 30% thu nhập của các công ty này.
|
Các chuyên gia nhận định, cạnh tranh về chip giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn biến thành chiến tranh kinh tế (Ảnh: Getty). |
Cổ phiếu của AMAT, KLA và Lam Research đều bị giảm hơn 20% trong một tháng qua.
AMAT đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Ngoài việc áp đặt các hạn chế mới đối với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, tuần trước, Mỹ đã bổ sung Yangtze Memory (YMTC) vào “danh sách chưa được xác minh” của các công ty mà Bộ Thương mại cần quan tâm. Nếu những lo ngại của Bộ Thương mại không được giải tỏa, các công ty trong danh sách này có thể bị đưa vào một danh sách đen, bị hạn chế mạnh hơn việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
YMTC, có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là nhà sản xuất chip nhớ flash để lưu trữ và là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất tại Trung Quốc; theo số liệu của công ty theo dõi thị trường TrendForce, Công ty YMTC này chiếm khoảng 6% sản lượng chip nhớ toàn cầu.
YMTC đã bắt đầu cung cấp chip bộ nhớ xử lý tiên tiến 128 lớp vào năm ngoái, từ đó trở thành mục tiêu của các hạn chế mới của Mỹ. Chip càng có nhiều lớp, thì càng lưu trữ được nhiều dữ liệu.
YMTC chính quyền tỉnh Hồ Bắc và Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Quốc gia Trung Quốc nắm giữ cổ phần. Công ty YMTC trước đây là một đơn vị trực thuộc Tập đoàn công ty chip Tử Quang Trung Quốc (Tsinghua Unigroup), công ty này đã mắc nợ rất nhiều trong những năm gần đây và vừa hoàn thành tái cấu trúc tài sản kéo dài một năm vào tháng 7 vừa qua.