|
Các nhân vật do AI tạo ra đang được các hacker sử dụng để đánh cắp dữ liệu người dùng trên Youtube (Ảnh: Gizmochina) |
Cũng như nhiều công nghệ mang tính cách mạng mới, sự trỗi dậy của AI thế hệ mới đã kéo theo một số hệ quả không mong muốn. Một trong số đó là việc các video trên YouTube có các nhân vật do AI tạo ra được sử dụng để phát tán phần mềm độc hại đánh cắp thông tin.
CloudSEK, một công ty AI chuyên dự đoán các mối đe dọa trên mạng, viết rằng kể từ tháng 11 năm 2022, số video trên YouTube có chứa liên kết đến phần mềm độc hại, bao gồm Vidar, RedLine và Raccoon, đã tăng 200-300% hàng tháng.
Các video cố gắng thu hút người xem bằng cách hứa hẹn sẽ hướng dẫn người xem cách bẻ khóa các trò chơi và phần mềm trả phí như Photoshop, Premiere Pro, Autodesk 3ds Max và AutoCAD.
Những loại video lừa đảo này giờ đây đã trở nên tinh vi hơn thông qua việc sử dụng các clip do AI tạo ra từ các nền tảng như Synthesia và D-ID khiến người dùng dễ bị mắc bẫy hơn.
CloudSEK lưu ý rằng nhiều công ty hợp pháp hơn đang sử dụng AI cho thông tin chi tiết tuyển dụng, đào tạo giáo dục, tài liệu quảng cáo, v.v. và tội phạm mạng đang học theo để tạo ra các video chứa hình ảnh các nhân vật do AI tạo ra với các tính năng "quen thuộc và đáng tin cậy".
Những người bị lừa tin rằng các video là thật và nhấp vào các liên kết độc hại thường tải xuống các phần mềm đánh cắp thông tin. Sau khi cài đặt, chúng có thể ăn cắp mọi thứ từ mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng và số tài khoản ngân hàng đến dữ liệu trình duyệt, chi tiết ví tiền điện tử và thông tin hệ thống, bao gồm cả địa chỉ IP. Sau khi xác định được vị trí, dữ liệu sẽ được chuyển đến các tên lừa đảo.
Đây không phải lần đầu tiên thông tin về việc YouTube được sử dụng để phát tán phần mềm độc hại xuất hiện. Một năm trước, các nhà nghiên cứu bảo mật đã phát hiện ra rằng một số người chơi Valorant đã bị lừa khi tải xuống và chạy phần mềm được quảng cáo trên YouTube dưới dạng hack trò chơi, trong khi thực tế đó là trình đánh cắp thông tin RedLine được đưa vào các video có nhân vật được AI tạo ra.
YouTube không chỉ tự hào với 2,5 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng mà còn là nền tảng phổ biến nhất đối với thanh thiếu niên, khiến nó trở thành một "cánh đồng màu mỡ" đối với tội phạm mạng. Một trong những phương pháp này là sử dụng các chiêu trò để đánh cắp dữ liệu người dùng.
Theo Tech Spot