Các nhà trường phổ thông đã và đang làm gì để bảo vệ học sinh khỏi các hiểm họa khôn lường trên Internet?

VietTimes – Theo một khảo sát mới đây do Trung tâm Vietnet-ICT phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và tổ chức SecDev Foundation thực hiện, thì học sinh Việt Nam hiện nay sử dụng Internet từ rất sớm. Độ tuổi sử dụng Internet nhiều nhất là từ 5-12 tuổi, chiếm 66%. Internet là một kho kiến thức vô tận nhưng cũng là một cạm bẫy khôn lường cho thanh thiếu niên.
Nhà trường và gia đình cần phối hợp để bảo vệ trẻ em khỏi những hiểm họa khi truy cập Internet
Nhà trường và gia đình cần phối hợp để bảo vệ trẻ em khỏi những hiểm họa khi truy cập Internet

Những cạm bẫy đáng sợ

Học sinh hiện nay sử dụng Internet từ rất sớm, chủ yếu từ 5-12 tuổi. Đặc biệt tại các thành phố lớn, học sinh có xu hướng tiếp cận với Internet từ lứa tuổi nhỏ hơn. Các em chủ yếu truy cập Internet tại nhà và tại trường. Cũng theo thông kê của Vietnet-ICT và MSD, 75% học sinh đã và đang sử dụng mạng xã hội thông qua các thiết bị cá nhân (máy tính, laptop, điện thoại). Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc định hướng và giáo dục cho trẻ sử dụng Internet an toàn từ khi còn nhỏ, bởi trên mạng tồn tại quá nhiều cạm bẫy.

Bà Ngô Thanh Trang, Giám đốc Vietnet-ICT cho biết tổ chức của bà đã phối hợp khảo sát khoảng 15.000 học sinh ở 12 tỉnh thành trên cả nước. Kết quả cho thấy nhiều em học sinh chưa nhận thức được mình gặp nhiều nguy cơ khi lên mạng. Các em chỉ ý thức được rằng sử dụng Internet quá nhiều sẽ gây ra các căn bệnh về mắt hoặc dễ nghiện mạng xã hội, nghiện game, dễ bị cha mẹ la mắng. Còn rất nhiều “cái bẫy” trên mạng mà các em chưa biết hoặc chưa nhận thức được.

Thống kê độ tuổi thanh thiêu niên sử dụng Internet (Nguồn: Vietnet-ICT)
Thống kê độ tuổi thanh thiêu niên sử dụng Internet (Nguồn: Vietnet-ICT) 

Vậy những cái bẫy đối với thiếu niên trên mạng là gì: Thứ nhất, là thông tin cá nhân của các em có thể bị rò rỉ và bị sử dụng vào mục đích xấu. Thứ hai, đó là khả năng bị bắt nạt, đe dọa, bị lừa đảo khi các em tiếp xúc với các đối tượng xấu trên mạng. Thứ ba là bị xâm hại – đây là nguy cơ mà nhiều em không hiểu vì sao có thể xảy ra bởi các em không hề tiếp xúc trực tiếp với kẻ xấu. Thứ tư là những ảnh hưởng đối với sức khỏe, thể chất khi các em xem các ấn phẩm đồi trụy, lười vận động, nghiện mạng xã hội, nghiện game.

Sở dĩ trẻ em dễ bị ảnh hưởng nhất bởi những cái xấu trên mạng xã hội là vì ở độ tuổi các em, việc tiếp thu và sử dụng CNTT diễn ra rất nhanh. Các em dễ dàng thành thục các “ngõ ngách” trên mạng hơn các bậc cha mẹ. Nhưng do tuổi đời còn trẻ, các em chưa thể hiểu được những nguy cơ của Internet. Ngoài ra, do đặc thù về tuổi tác, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể gặp khó khăn để giám sát hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra mà bắt nguồn từ Internet. Hồi tháng 3 năm nay, một nữ sinh lớp 11 ở Nghệ An đã tự vẫn sau khi clip em và bạn trai hôn nhau trong lớp bị tung lên mạng. Tháng 6/2015, một nữ sinh ở Đồng Nai đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn vì không chịu nổi áp lực của mạng xã hội sau khi clip ân ái của em với bạn trai bị rò rỉ. Tháng 9/2016, một nam sinh lớp 8 ở Yên Bái cũng đã tự vẫn vì xấu hổ sau khi clip em bị một nhóm thanh niên bắt quỳ gối phát tán rộng rãi trên Internet.

Những nguy cơ đối với trẻ em trên Internet (nguồn: Vietnet-ICT)
 Những nguy cơ đối với trẻ em trên Internet (nguồn: Vietnet-ICT)

Nhà trường phổ thông đã làm gì để bảo vệ học sinh?

Theo thống kê của Vietnet-ICT và MSD thì thời lượng học sinh sử dụng Internet ở trường chiếm gần 20% tổng thời lượng vào mạng của các em. Các em có thể vào mạng để học hành, nghiên cứu, để xem các chương trình, đọc tin tức, chơi trò chơi điện tử hoặc giải trí. Học sinh ở các thành phố lớn truy cập Internet để giải trí, mua sắm và giao lưu kết bạn chiếm tới hơn 60% tổng thời lượng sử dụng Internet.

Khi gặp các vấn đề rắc rối trên mạng, đa số học sinh có xu hướng tìm đến sự giúp đỡ của gia đình (62,97%) và thầy cô (41,81%). Như vậy, ngoài gia đình, nhà trường cũng cần đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng cho học sinh các sử dụng Internet một cách hiệu quả và văn minh.

Cứ 1 trong 4 trẻ đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. (UNICEF, họp báo 2016)

Thực tế ở các nhà trường phổ thông hiện nay, việc giảng dạy về An toàn sử dụng Internet còn nhiều hạn chế. Đó là do việc giảng dạy chưa được thực hiện theo hình thức chuyên sâu, đa số mới chỉ mang tính chất giới thiệu. Kế hoạch giảng dạy không được lên lịch đều đặn, do việc bố trí các tiết học chính khóa đã “kín lịch”.

Dẫu vậy, tại đa số các trường được khảo sát, Ban giám hiệu đều tạo điều kiện và khuyến khích các giáo viên lồng ghép nội dung An toàn sử dụng Internet vào chương trình giảng dạy. Kết quả khảo sát của Vietnet-ICT và MSD cho thấy các giáo viên đã lồng ghép kiến thức này vào giờ Tin học (95,48%), các giờ học ngoại khóa (40,66%), mời chuyên gia chia sẻ tại trường (33,43%), vào giờ giáo dục công dân (27,71%).

Cũng theo khảo sát này thì học sinh tham gia các lớp học với hoạt động đầy đủ có nhận thức về an toàn Internet tốt hơn các học sinh chỉ được tìm hiểu qua giới thiệu.

Cô giáo Nguyễn Thị Tươi, Giáo viên Tin học trường THCS Mạo Khê II, Quảng Ninh – một trong những đơn vị triển khai rất tốt việc dạy và học tin học trong nhà trường - đã chia sẻ kinh nghiệm của cô trong việc giáo dục An toàn Internet cho học sinh. Cô thường chia học sinh theo các nhóm từ 3-5 em, sau đó giao nhiệm vụ cho các nhóm tìm hiểu chủ đề và thuyết trình, hoặc xem video và thảo luận tình huống.

Học sinh trường Mạo Khê II, Quảng Ninh trong giờ Tin học (ảnh: Trường THCS Mạo Khê)
 Học sinh trường Mạo Khê II, Quảng Ninh trong giờ Tin học (ảnh: Trường THCS Mạo Khê)

Khi thảo luận với học sinh, cô Tươi đã đưa ra những tình huống rất cụ thể. Cô nói rằng đã có một người đàn ông ngoại quốc muốn làm quen với cô trên Internet và ngỏ ý muốn tặng quà đắt tiền, cô có nên nhận hay không? Đa số học sinh đều tán thành với việc nhận quà từ người lạ. Cô Tươi nêu tiếp một tình huống rằng có người liên lạc với cô yêu cầu phải đóng một khoản phí hải quan để nhận được món quà đó, cô có nên đóng không? Lúc này, nhiều em nói rằng có thể cô bị lừa, không nên đóng tiền. Như vậy là các em đã phần nào nhận thức được những rủi ro có thể gặp phải khi tiếp xúc với một người lạ trên Internet.

Các nhà trường phổ thông đã và đang làm gì để bảo vệ học sinh khỏi các hiểm họa khôn lường trên Internet? ảnh 4

 Cô Nguyễn Thị Tươi chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy An toàn Internet tại trường Mạo Khê II, Quảng Ninh

Học sinh của trường Mạo Khê II cũng được hướng dẫn về thế nào là một website an toàn, một email an toàn. Cô Tươi nói rằng những bài học về An toàn Internet phải được truyền đạt dần dần, không thể “nhồi nhét” trong một buổi. Mỗi một buổi dạy tin học đều kèm tiết giáo dục công dân. Thầy cô cũng phải thường xuyên cập nhật những diễn biến mới trên Internet, trên mạng xã hội để truyền đạt cho học sinh. Nếu thầy cô chỉ dừng lại ở việc giảng dạy các bài học trong sách giáo khoa thì không giúp ích được nhiều cho học sinh trong thực tiễn.

Còn thầy Lê Tiến Hải, trường THCS Nghĩa Tân chia sẻ rằng ở trường mình người sử dụng Facebook nhiều nhất là... Hiệu trưởng. Nhưng không phải Hiệu trưởng trường Nghĩa Tân vào Facebook để đăng ảnh câu like, mà để tạo nhóm trao đổi chuyên môn, triển khai công việc. Việc trao đổi thông tin về học sinh giữa nhà trường được thực hiện qua sổ liên lạc điện tử. Nhà trường cũng có website riêng và các phụ huynh rất tích cực vào xem thông tin tuyển sinh, thời khóa biểu, các hoạt động của trường.

Theo thầy Lê Tiến Hải, để giúp bảo vệ học sinh khỏi các hiểm họa trên Internet, các nhà quản lý cần phải đưa ra các chế tài thực tiễn hơn và nhà trường cũng phải có các chế tài phù hợp đối với các hành vi gây nguy hại cho học sinh.

Các nhà trường phổ thông đã và đang làm gì để bảo vệ học sinh khỏi các hiểm họa khôn lường trên Internet? ảnh 5

 Thầy Lê Tiến Hải, trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội

Tại trường THCS Thực nghiệm, nhà trường đã áp dụng chương trình giáo dục trực tuyến DQWorld. Đây là một chương trình chuẩn của nước ngoài với mục tiêu thúc đẩy thanh thiếu niên nâng cao kỹ năng trong thời đại số. Trẻ em sau khi tham gia và hoàn thành chương trình sẽ giảm tỷ lệ đối mặt với những rủi ro an ninh mạng khoảng 15%. Chương trình giáo dục DQ cũng đem lại những tác động tích cực khác đối với sự phát triển của trẻ như: Tạo thói quen sử dụng an toàn mạng trực tuyến; Tự quản lý tốt; Nâng cao kết quả học tập; Hiểu được bản chất của hoạt động trực tuyến, quyền riêng tư và việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Sau khi tham gia chương trình DQ, điểm số của An toàn Internet của trường THCS Thực nghiệm đã tăng từ 75 lên 89, xếp hạng thứ 68 về điểm DQ trên cả nước.

Khảo sát của Vietnet-ICT và MSD cho thấy cả giáo viên và ban giám hiệu các trường đều đánh giá cao tác động của giáo dục về An toàn Internet tới việc thay đổi nhận thức hành vi của giáo viên và phụ huynh. Cụ thể, 83.1% giáo viên “Đồng ý” và “Rất đồng ý” với ý kiến cho rằng giáo viên nên chú trọng hơn tới việc triển khai giáo dục An toàn Internet trong nhà trường. 94.45% giáo viên “Sẵn sàng” và “Rất sẵn sàng” hỗ trợ học sinh trong trường hợp học sinh cần sự trợ giúp khi gặp phải các tình huống rủi ro trên môi trường mạng. 73.61% giáo viên và 71.43% ban giám hiệu cho rằng nhà trường và phụ huynh cần quan tâm hơn tới chủ đề này.