Các nhà đầu tư sẽ có 25 ngày để nộp phương án cơ cấu lại GPBank

VietTimes -- Động thái bất ngờ và có phần gấp rút của GPBank gợi mở về một kịch bản mua lại nhà băng 0 đồng đầu tiên.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngày 20/11, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) bất ngờ đăng thông báo tìm kiếm các các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia tái cơ cấu nhà băng này.

Trong thông báo phát đi, GPBank cho biết động thái này được thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đồng thời, cũng nhấn mạnh các nhà đầu tư phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, và đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) và pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, theo tính toán của VietTimes, các nhà đầu tư quan tâm cũng chỉ có 35 ngày để hoàn thiện phương án cơ cấu nhà băng này, bởi thời hạn nộp hồ sơ được GPBank cho biết là “chậm nhất vào 16h00 ngày 16/12/2019”.

Bộ hồ sơ bao gồm: Phương án cơ cấu lại GPBank, các Phụ lục (nếu có), Danh mục tài liệu đính kèm. Hồ sơ cần có dấu treo/dấu giáp lai của tổ chức đầu tư tại tất cả các trang.

Thông báo tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu của GPBank
Thông báo tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu của GPBank

Bên cạnh GPBank, còn 2 ngân hàng khác cũng được NHNN mua lại với giá “0 đồng” là Ngân hàng Đại dương (OceanBank) và Ngân hàng Xây dựng (CBBank).

Các ngân hàng này cũng từng được nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu, đặt vấn đề tái cơ cấu, thậm chí là mua lại toàn bộ nhưng sau nhiều lần “đánh tiếng” vẫn chưa có thương vụ nào diễn ra.

Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài là Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore đã từng đàm phán mua lại GPBank. Song, thương vụ này vì nhiều lý do nên không thể hoàn tất, để rồi sau đó GPBank không thể tự mình tái cơ cấu và được NHNN mua lại với giá “0 đồng”.

Đối với OceanBank, trong những năm gần đây liên tục xuất hiện thông tin cho hay có đối tác nước ngoài đang tỏ ra nghiêm túc muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến được ghi nhận.

Hồi giữa tháng 3/2019, tập đoàn J Trust của Nhật cũng cho biết đã dành thời gian tìm hiểu và muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém tại Việt Nam, trong đó họ muốn mua lại CBBank. Mục đích nhằm tạo thành một “cửa ngõ” cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp của Nhật Bản.

Trong một báo cáo gửi đại biểu quốc hội vào đầu tháng 10/2019, NHNN cho biết các ngân hàng được mua lại bắt buộc đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại.

Hiện, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại OceanBank. Đối với CBBank, NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Còn trường hợp của GPBank lại chưa được NHNN đề cập cụ thể.

Theo ghi nhận của VietTimes, vệc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém cũng đang được thúc đẩy trong bối cảnh khá thuận lợi khi hoạt động xử lý nợ xấu trong hệ thống đã đem lại những kết quả tích cực.

Mặc dù vậy, quá trình tái cơ cấu ngân hàng là một con đường dài, đòi hỏi tiêu tốn nhiều thời gian và nguồn lực. Mặt khác, NHNN cũng cần thời gian thẩm định kỹ lưỡng các nhà đầu tư nhằm tránh nguy cơ phát sinh việc sở hữu chéo trong hệ thống.

Mà như Thống đốc Lê Minh Hưng từng chia sẻ: “Ai có tiền tươi thóc thật, nguồn tiền rõ ràng, có đủ đầy chuyên môn nghề và không vi phạm pháp luật, hãy làm ngân hàng”./.