Theo thống kê, đến cuối tháng 6/2019, tổng vốn điều lệ của 35 ngân hàng thương mại Việt đạt hơn 419.000 tỷ đồng.
Trật tự Top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất sẽ có sự thay đổi lớn trong thời gian tới
Hiện vốn điều lệ của VietinBank là 37.234 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống. Theo sau lần lượt là Vietcombank, Techcombank, BIDV, Agribank với vốn điều lệ cuối tháng 6/2019 tương ứng 37.089 tỷ đồng, 34.966 tỷ đồng, 34.187 tỷ đồng và 30.496 tỷ.
Trong vòng gần 5 năm qua, Techcombank và Vietcombank là 2 ngân hàng được tăng vốn nhiều nhất. So với đầu năm 2015, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank tăng hơn 10.400 tỷ tương đương tăng hơn 39%; còn Techcombank thì tăng tới gần 4 lần trong 5 năm qua.
Sự tăng vọt của Techcombank đến từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:2 trong năm 2018 sau khi nhà băng này niêm yết trên sàn HOSE. Theo đó, lần đầu tiên của một ngân hàng tư nhân có vị trí trong top 3 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất.
Còn tại Vietcombank, năm 2016, ngân hàng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%( tương đương hơn 9.300 tỷ đồng) và gần đây, đầu năm 2019, vốn điều lệ của ngân hàng tăng hơn 1.000 tỷ nhờ phát hành cổ phiếu cho GIC và Mizuho Bank.
Trong khi đó, VietinBank, BIDV sau đợt tăng mạnh vào năm 2013 và 2014 nhờ phát hành cho cổ đông chiến lược thì đến nay gần như đứng yên còn Agribank thì chỉ tăng nhẹ khoảng 1.000 tỷ.
Trật tự Top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất dự kiến sẽ có sự thay đổi trong thời gian ngắn sắp tới khi BIDV đã chốt bán hơn 600 triệu cổ phiếu cho Keb Hana Bank, Vietcombank đang có kế hoạch bán 6,5% cổ phần,...Với VietinBank, mặc dù đang là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất nhưng cũng có ít lựa chọn để tăng vốn nhất khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài chạm mức tối đa.
Còn gần 10 ngân hàng vốn điều lệ loanh quanh mức vốn pháp định
5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn tiếp theo là VPBank, MBBank, Sacombank, SCB và ACB với số vốn điều lệ lần lượt là 25.300 tỷ đồng, 21.605 tỷ, 18.852 tỷ, 15.232 tỷ và 12.886 tỷ. Trong đó, ở nhóm này, MBBank hiện có kế hoạch tăng vốn thông qua bán 7,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Ngoài những ngân hàng kể trên, chỉ còn 3 ngân hàng nữa là có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ là Eximbank (12.355 tỷ), SHB (12.133 tỷ) và MSB (11.750 tỷ).
Như vậy, còn tới 22 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ. Trong đó, 12/35 ngân hàng vốn điều lệ chưa đến 5.000 tỷ.
Và cũng còn 8 ngân hàng có vốn điều lệ chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng), trong đó có 2 ngân hàng được NHNN mua lại "0 đồng" là CBBank (3.000 tỷ) và Gpbank (3.018 tỷ). Ngoài ra, một số ngân hàng khác có vốn điều lệ xấp xỉ mức 3.000 tỷ còn có PGBank, Saigonbank, BaoVietBank, VietCapitalBank, Kienlongbank, NamABank.
Sự phân hóa trong hệ thống ngân hàng thể hiện rõ khi tổng số vốn điều lệ của 11 ngân hàng nhỏ nhất cộng lại cũng chưa bằng Vietcombank hay VietinBank. Và điều đáng lo ngại hơn là những ngân hàng nhỏ ngày càng có ít cơ hội tăng vốn hơn cả khi hoạt động kinh doanh không có sự đột phá, không có sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Năm 2020 là thời hạn mà 10 ngân hàng thuộc diện thí điểm phải đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41. Kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ buộc phải thực hiện nhanh hơn để đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài BIDV, MBBank có kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài, hầu hết các ngân hàng khác có kế hoạch tăng vốn chủ yếu từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Dù vậy, việc tiếp tục tăng vốn từ việc trả cổ phiếu thưởng vốn đã tạo nên tâm lý bức xúc cho cổ đông ngân hàng thời gian qua nên khả năng thực hiện của từng ngân hàng sẽ gặp không ít khó khăn.
Tác giả tổng hợp
Theo Trí thức trẻ
Link: http://cafef.vn/bang-xep-hang-von-dieu-le-ngan-hang-sap-co-trat-tu-moi-2019082917163789.chn