Các hãng taxi đua nhau mở ứng dụng gọi xe

Không chỉ các nhà xe lớn, nhiều hãng taxi nhỏ cũng tung ra các ứng dụng gọi xe riêng mình trong bối cảnh taxi truyền thống bị Uber, Grab cạnh tranh.
Rất nhiều ứng dụng gọi xe khác nhau trên Google Play Store - Ảnh: H.Đ
Rất nhiều ứng dụng gọi xe khác nhau trên Google Play Store - Ảnh: H.Đ

Vào Google Play Store, bên cạnh các ứng dụng của hai hãng taxi lớn là Mai Linh, Vinasun, dễ thấy có hàng loạt ứng dụng của các hãng taxi nhỏ khác.

Taxi Long Biên, Taxi Bắc Trung, Taxi Ngọc Lan, Taxi Vạn Xuân, Bình An, Linh Anh, Sao Hà Nội, Phiệt Học, Oanh Khải, Phù Đổng, Sông Lam, Đất Cảng, Sao Mai, Sông Đà, Taxi Rỗng, Taxi Group và hàng loạt ứng dụng gọi xe khác nữa.

Thử cài đặt một số trong các ứng dụng kể trên thì thấy hầu hết các ứng dụng đều dành để gọi xe khu vực Hà Nội và lân cận. Các ứng dụng đều xác định chính xác vị trí người viết bài ở Tân Bình, TP.HCM và thông báo "không có xe" hoặc "ngoài vùng hỗ trợ". Tuy nhiên, khi thử dời vị trí đặt xe tại một điểm ngẫu nhiên tại Hà Nội thì ứng dụng cũng thông báo "không có xe".

Điểm chung của các ứng dụng gọi xe là hiện vị trí, địa chỉ của người gọi chính xác, có chức năng cơ bản của việc gọi xe, giao diện ứng dụng cũng dễ dùng. Các ứng dụng đều hiển thị giá cước cho đoạn đường khách đã chọn.

Dù vậy, không như ứng dụng do Mai Linh hay Vinasun phát triển, nhiều trong số các ứng dụng kể trên được viết khá sơ sài. Khi gõ địa chỉ đặt xe, các ứng dụng không hiện lên các địa chỉ gợi ý. Hoặc khi muốn đổi điểm đón xe thì người dùng phải thao tác trên bản đồ chứ không gõ được địa chỉ.

Ngoài ra, một số trong các ứng dụng kể trên đều do một đơn vị phát triển, do đó giao diện và cách thức hoạt động tương tự nhau. Điều này khá dễ hiểu khi các hãng xe nhỏ khó lòng bỏ số tiền lớn để viết ứng dụng riêng.

Trong số này, ứng dụng gọi xe của Vinataxi - một hãng xe khá lớn - được đầu tư tốt hơn. Bên cạnh việc hiển thị trước cước phí chuyến đi, người gọi xe còn có thể chọn cách tính cước theo đồng hồ trên taxi truyền thống. Điều này cho thấy sự linh hoạt của các hãng taxi trong bối cảnh cạnh tranh mới.

Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, các hãng taxi truyền thống phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các ứng dụng gọi xe như Uber, Grab. Với sự tiện dụng của công nghệ, người sử dụng ứng dụng như Grab, Uber có thể biết trước cước phí, biết trước lộ trình, đi xe mới, hầu hết gặp tài xế có thái độ phục vụ nhã nhặn, do đó phần đông đã từ bỏ taxi truyền thống. Việc này khiến thị phần các hãng taxi bị thu hẹp.

Việc ngay cả những hãng taxi nhỏ lẻ ở địa phương cũng mở ra các ứng dụng để phục vụ khách hàng cho thấy sự cạnh tranh đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của ngành taxi. Từ đó đòi hỏi các hãng phải tìm cách tồn tại trước thời kỳ mới.

Tương tự Việt Nam, taxi tại nhiều quốc gia nơi Uber và Grab có mặt đều gặp khó khi cạnh tranh. Tuy nhiên tại Nhật, thị trường taxi lớn nhất nhì thế giới, Uber vẫn chưa phát triển mạnh được do vướng các quy định vận tải từ chính phủ. Tại đây các hãng taxi vẫn giữ vững thị trường, tuy nhiên theo tờ Nikkei, mới đây nhiều hãng đã liên kết với nhau để mở ứng dụng gọi xe nhằm chuẩn bị trước cuộc chiến với các đối thủ là ứng dụng gọi xe nước ngoài.

Tại Việt Nam, một công ty khởi nghiệp là Vivu cũng đã tạo ứng dụng gọi xe, kêu gọi các hãng taxi cùng nhau sử dụng ứng dụng này nhằm tạo thế cạnh tranh với hai đối thủ Uber, Grab.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, việc tạo một ứng dụng gọi xe không khó bằng cung cấp chất lượng dịch vụ cho khách đi xe. Thái độ phục vụ của tài xế, minh bạch trong tính cước,... mới là yếu tố cạnh tranh các hãng taxi cần trang bị để thu hút khách.

"Định vị là 92.000 đồng nhưng khi thanh toán lên tận 130.000 đồng. Giá chênh nhau quá nhiều", trích một bình luận của người dùng sau khi sử dụng ứng dụng gọi xe Taxi Group.

Theo ICTNews
http://ictnews.vn/kinh-doanh/thi-truong/cac-hang-taxi-dua-nhau-mo-ung-dung-goi-xe-161370.ict