|
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN) |
Chính phủ cũng như Bộ Công Thương luôn ủng hộ việc doanh nghiệp sản xuất và giới thiệu các mẫu xe thân thiện với môi trường ở Việt Nam. Định hướng này đã được thể hiện rất rõ trong Chiến lược và Quy hoạch ngành ôtô cũng như các chính sách khác có liên quan khác. Do đó, xu hướng sản xuất và tiêu dùng “xanh” cũng sẽ là xu hướng của tương lai và sẽ là tất yếu.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng ở các đô thị lớn mà phương tiện giao thông là tác nhân chính do khí xả mang theo chất độc hại như CO, Pb, NOx…
Để từng bước hạn chế tình trạng này, trong những năm qua, các nhà sản xuất ôtô đã không ngừng đổi mới công nghệ, giới thiệu những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.
Ford Việt Nam giới thiệu về công nghệ EcoBoost, hãng Fuso giới thiệu về công nghệ Canter E-cell Zero CO2, Toyota giới thiệu về công nghệ Hybrid hay công nghệ Phev của Mitshubishi.
Giới thiệu về động cơ EcoBoost, ông Nguyễn Văn Thoán, chuyên gia đào tạo kỹ thuật đến từ Ford Việt Nam cho hay, đây là loại động cơ tiêu biểu cho cuộc cách mạng thiết kế động cơ tương lai, được vinh danh tại các lễ trao giải cho Động cơ Quốc tế của năm và đã được thế giới công nhận bởi động cơ nhỏ gọn, nhưng năng lực mạnh vận hành mạnh mẽ, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
Mục tiêu của Ford khi đưa ra thế hệ động cơ Ecoboost là cung cấp hiệu suất vận hành và mômen xoắn ngang bằng với những loại động cơ có kích thước lớn hơn (sử dụng khí nạp tự nhiên).
Cụ thể, động cơ EcoBoost 1.0L có công suất tương ứng với động cơ 1.6L trong khi tiết kiệm nhiên liệu hơn 20% so với động cơ thông thường.
Không chỉ tiết kiệm nhiên liệu, động cơ EcoBoost còn giảm khoảng 25% số lượng các chi tiết và linh kiện giúp EcoBoost là một trong những động cơ nhỏ nhất (đặt vừa tờ giấy A4) và nhẹ nhất so với các động cơ khác cùng dung tích. Đặc biệt là động cơ này còn cắt giảm được 15% lượng khí thải CO2 gây nên hiệu ứng nhà kính so với các mẫu động cơ truyền thống.
Là một trong những thương hiệu xe hơi toàn cầu đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam, Toyota đã, đang và luôn sát cánh cùng Việt Nam trên hành trình hướng đến kỷ nguyên chuyển động của tương lai.
Ông Yasuki Nakagawa, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật, Công ty ôtô Toyota châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, việc mở rộng trên phạm vi toàn cầu của ngành công nghiệp và các công nghệ sẽ gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; gia tăng số lượng xe cơ giới sẽ tác động đến vấn đề năng lượng khi nguồn cung dầu mỏ đang hạn hẹp.
Trong khi đó, môi trường sẽ bị tác động bởi việc phát thải khí CO2 dẫn đến sự ấm lên toàn cầu và ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Để hướng tới một xã hội xanh hơn, Toyota bắt đầu giới thiệu xe lai Hybrid bằng việc kết hợp động cơ và môtơ điện.
Công nghệ này sử dụng những ưu điểm của hai nguồn năng lượng, tạo ra hiệu quả sử dụng năng lượng tốt hơn và khả năng vận hành mạnh mẽ hơn đối với dòng xe lai Hybrid này.
Theo đó, cơ chế hoạt động của hệ thống Hybrid khi xe tăng tốc môtơ điện và động cơ sẽ bổ sung năng lượng điện từ ắcquy, khi giảm tốc sẽ nạp ắcquy và khi dừng xe động cơ sẽ tắt tự động.
Lợi ích của hệ thống Hybrid là cải thiện hiệu quả của động cơ cho khả năng vận hành mạnh mẽ, nhưng mức tiêu hao nhiên liệu giảm được hơn 40%, độ phát thải và CO2 cũng thấp hơn so với động cơ thông thường.
Ông Yasuki Nakagawa cũng cho biết, kể từ khi giới thiệu xe Prius, doanh số bán hàng của xe Hybrid Toyota tăng đều hàng năm. Nếu như năm 2006 doanh số chỉ đạt hơn 1 triệu xe thì đến năm 2016 đã có doanh số đến 9 triệu xe trên toàn cầu.
Không đứng ngoài cuộc, hãng xe tải Fuso đến từ Nhật Bản cũng chia sẻ, kể từ khi thế hệ đầu tiên của xe tải chạy bằng điện xuất hiện tại Đức vào năm 2010, thế hệ thứ ba FUSO eCanter được ra mắt với bước cải tiến kỹ thuật vượt trội dựa trên những ý kiến đóng góp từ phía khách hàng khi trải nghiệm mẫu xe Fuso Canter E-CELL thế hệ thứ hai tại Nhật Bản vào năm 2013, tại Bồ Đào Nha năm 2014 và gần nhất là Đức.
Dựa vào những thử nghiệm thực tế từ khách hàng, Fuso đã phát triển thành công ý tưởng sử dụng module pin để di chuyển quãng đường xa hơn hoặc gia tăng tải trọng tùy vào nhu cầu.
Một bộ pin từ 3 đến 5 pin lithium-ion được ghép lại với công suất mỗi pin 13.8 kWh.
Năm bộ pin được lắp vào xe cho công suất 185 kW, cho công suất cực đại 380Nm, nâng tổng trọng tải xe lên 7,5 tấn, đảm bảo đi được quãng đường 100km chỉ sau gần một giờ sạc.
Ông Marc Llistosella, Chủ tịch và Tổng Giám đốc MFTBC và Daimler Trucks Châu Á (DTA) đại diện hãng Fuso phân tích, xe tải điện thế hệ thứ 3 FUSO eCanter có thể tiết kiệm khoảng 25 triệu đồng cho mỗi 10.000 km di chuyển, giảm chi phí vận hành xuống 64% so với các xe tải động cơ diesel thông thường và giảm mức chi phí bảo trì xuống 30%... giúp khách hàng có thể thu hồi vốn trong vòng 3 năm.
Không chỉ vậy, FUSO eCanter không tạo tiếng ồn và không khí thải đã chứng minh được độ tin cậy về mặt kỹ thuật và hiệu quả kinh tế đáp ứng tiêu chí về tải trọng và hành trình hàng ngày.
Theo Vietnam+