Theo đó, thiết bị mới này có khả năng ăn cắp sóng, mã hóa và sử dụng chính tần số sóng thu thập được để mở khóa một chiếc xe chẳng khác nào chìa khóa nguyên bản của hãng mà không để lại dấu vết nào. Cụ thể, theo cảnh báo từ NICB, thiết bị mới này hoạt động với 2 giai đoạn. Đầu tiên, nó sẽ nhận diện tín hiệu của chìa khóa điều khiển từ khoảng cách 3 mét. Những tín hiệu nhận diện sẽ được chuyển qua một hộp “tái lập tín hiệu”. Tại đây, những tín hiệu thu được sẽ được chuyển hóa thành "chìa khóa" giúp những tên trộm dễ dàng mở khóa và khởi động chiếc xe vừa bị thu mã một cách dễ dàng.
Hiện tại, các nhân viên của Trung tâm thông tin tội phạm quốc gia Mỹ đang phối hợp với nhà bán lẻ ô tô CarMax nhằm đánh giá hiệu quả của thiết bị bí ẩn này. Cụ thể, NICB đã sử dụng 35 mẫu ô tô với nhiều thương hiệu và chủng loại khác nhau. Kết quả, họ đã mở khóa thành công 19 phương tiện. Trong số đó, 18 xe họ có thể lái đi được và có 12 xe cần được khởi động lại sau khi bugi đánh lửa bị ngắt.
Hiện tại, NICB vẫn chưa có thông tin về số lượng phương tiện bị đánh cắp bằng thiết bị này do không thu thập được các chứng cứ. Tuy nhiên, từ năm 2014 thì NICB đã cảnh báo về sự nguy hiểm của những thiết bị như thế này.
Ông Joe Wehrle - Chủ tịch cũng đồng thời là CEO của NICB cho rằng, mặc dù nó không thể hoạt động trên tất cả các dòng xe nhưng các tên trộm có thể “khoanh vùng” và những chiếc xe mà chúng biết có thể đánh cắp được sẽ trở thành mục tiêu. Điều nguy hiểm trong việc này là các chủ xe sẽ không hề biết trước hoặc nhận ra sự xuất hiện của chúng, trừ khi hành vi đánh cắp ô tô bị bắt gặp qua camera an ninh. Hành vi trộm xe này xảy ra một cách dễ dàng và “âm thầm” đến nỗi nhiều chủ xe nghĩ rằng ô tô của họ đã bị cảnh sát kéo đi thay vì bị ăn trộm.
NICB cũng cho biết, thiết bị mới này được sản xuất bởi một công ty thứ 3 trong lĩnh vực an ninh và nó đến từ một quốc gia khác không phải Mỹ. Mục đích chính của thiết bị này khi được sản xuất ra là nhằm xác định các lỗ hổng an ninh của những xe ô tô dùng chìa khóa điều khiển từ xa. Tuy nhiên, nó đã bị sử dụng sai mục đích khi rơi vào tay kẻ xấu.
Hiện tại, NICB đang phối hợp với Interpol, FBI và các cơ quan an ninh khác để truy tìm nguồn gốc cũng như những thủ phạm đã tham gia vào chế tạo loại chìa khóa nguy hiểm này, đồng thời cơ quan này cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan mà phải cảnh giác hơn với những tên trộm sử dụng công nghệ mới này.
Theo Otos.vn