Trung Quốc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt nhanh thế nào?

Công nghệ nhận diện khuôn mặt tuy có nhiều ưu điểm nhưng cũng gây không ít mối lo ngại về an toàn thông tin cá nhân.
Một nhân viên đang sử dụng thiết bị nhận diện khuôn mặt khi "check in" để vào khu vực dây chuyền lắp ráp
Một nhân viên đang sử dụng thiết bị nhận diện khuôn mặt khi "check in" để vào khu vực dây chuyền lắp ráp

Bạn có muốn khuôn mặt mình bị theo dõi bởi những những chiếc camera luôn hiện hữu ở xung quanh, từ đó người khác có thể biết được danh tính và tung tích của bạn hay không? Trong khi câu trả lời dường như sẽ là "không" ở nhiều nước phương Tây, khung cảnh ấy đang dần trở thành hiện thực ở Trung Quốc.

Theo MSN, công nghệ nhận diện khuôn mặt, vốn là một điểm nhấn trong những bộ phim như Minority Report, giờ đã nhanh chóng len lỏi vào cuộc sống thường nhật của ngày càng nhiều người ở Trung Quốc. Không bị ràng buộc bởi quy định về quyền riêng tư, những công ty lớn hàng đầu Trung Quốc đang thu thập hàng trăm triệu bức ảnh từ các ứng dụng trực tuyến để dạy cho máy tính cách phân tích đặc điểm khuôn mặt. Các công ty này đã nhận thấy được dòng lợi nhuận tiềm năng từ những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đồng thời phục vụ cho sự hứng thú của Bắc Kinh đối với việc triển khai công nghệ để tăng cường giám sát.

Ví dụ, Baidu đã giới thiệu công nghệ nhận diện khuôn mặt của họ tại hội nghị nhà phát triển AI đầu tiên của công ty tại Bắc Kinh. Họ cũng đã sử dụng nó để xác minh danh tính của khách hàng cho công ty bảo hiểm Taikang. Ant Financial, một phương thức thanh toán của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, đã cho phép người sử dụng thực hiện giao dịch bằng cách quét khuôn mặt của mình. Today's Headlines, một ứng dụng tin tức địa phương phổ biến, đang sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác minh các đối tác viết bài. Theo Xie Yinan, người phát ngôn của Megvii – một startup về công nghệ nhận diện khuôn mặt có trụ sở tại Bắc Kinh - công ty này đã cấp phép các kỹ thuật của mình cho các nền tảng tin tức và giải trí.

Những hình ảnh demo của hệ thống nhận diện khuôn mặt cho dịch vụ thanh toán qua điện thoại Alipay của Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Ant Financial.

Xie Yinan còn chia sẻ, trong một số trường hợp, quá trình xác thực sẽ yêu cầu người sử dụng xác nhận qua video trực tiếp. Khi đó máy tính có thể phân tích chuyển động khuôn mặt và so sánh với ảnh chứng minh nhân dân để xác thực danh tính. Công nghệ này cũng có tác dụng đối với ảnh chụp.

Trong khi đó, nhiều khách sạn, trường học và nhà trẻ cũng lắp đặt camera để quét khuôn mặt của mọi người trước khi cho phép đi lại. Một số trường Đại học còn sử dụng công nghệ này để phát hiện thí sinh đi thi hộ. Một cửa hàng KFC ở Bắc Kinh đã áp dụng tính năng nhận diện  khuôn mặt của khách hàng để giới thiệu các món ăn dựa trên các yếu tố bao gồm tuổi tác, giới tính và tâm trạng.

"Ở Trung Quốc, công nghệ nhận diện khuôn mặt cũng tiến bộ như ở các nước phương Tây", Wang Shengjin, giáo sư Khoa Kỹ thuật Điện tử của trường Đại học Tsinghua uy tín của Trung Quốc cho biết, "nhưng chúng tôi lại tiến xa hơn trong việc tiến hành thương mại hóa nó".

Nhưng "người hâm mộ" lớn nhất của công nghệ này lại là Chính phủ Trung Quốc.

Nhằm giám sát công dân một cách chặt chẽ hơn, các nhà chức trách đang tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt vào mạng lưới camera giám sát lên đến 176 triệu camera, trong khi ở Mỹ chỉ có 50 triệu, theo kết quả điều tra của IHS Markit.

Giống như ở Mỹ, các cơ quan chức năng sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để đối chiếu giữa các đoạn phim an ninh với cơ sở dữ liệu ảnh chứng minh nhân dân để truy bắt tội phạm và khủng bố. Công nghệ này thực sự đã phát triển đến mức có thể tìm được một người chỉ bằng hình ảnh chụp 10 năm về trước. Thậm chí, chúng ta còn có thể nâng cao chất lượng ảnh bị mờ nhòe.

Theo Xie Yinan: "Nó cũng tương tự như những gì bạn thấy trong phim Fast and Furious, nhưng có độ chính xác cao hơn". Ý Xie Yinan chỉ hệ thống viễn tưởng có tên God's Eye, hệ thống ấy có thể xác định được tung tích của bất kì ai thông qua camera an ninh.

Tuy nhiên, những mục đích sử dụng khác có thể khiến những người phương Tây e ngại. Là một phần của chiến dịch quốc gia nhằm thúc đẩy những hành vi văn minh, các cơ quan quản lý đã sử dụng nhận diện khuôn mặt để chỉ đích danh những người đi bộ sang đường không đúng quy định ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc, bao gồm cả Thẩm Quyến và Tế Nam.

Theo Tân Hoa Xã, ví dụ như ở Tế Nam, camera nhận diện có thể ghi lại những video ngắn của người qua đường khi đang chưa có tín hiệu cho phép đi. Thông tin cá nhân của người vi phạm, bao gồm tên và địa chỉ sẽ được hiển thị cảnh cáo trên màn hình ở bên đường.

Theo luật Trung Quốc, việc này không bị coi là vi phạm quyền riêng tư. Mặc dù nhận diện khuôn mặt đã tồn tại rất nhiều năm, luật pháp liên quan đến nó đã không có hiệu lực cho đến tháng 6 vừa qua. Luật An ninh mạng mới được áp dụng của Trung Quốc có điều luật về việc thu thập thông tin cá nhân, bao gồm cả các đặc điểm sinh trắc học, cho mục đích thương mại nhưng lại không áp dụng luật này với chính quyền địa phương, ông Ronald Cheng, đối tác của công ty Luật Quốc tế O'Melveny cho biết.

Công dân có thể yêu cầu xóa thông tin cá nhân hay tìm biện pháp khắc phục nếu công ty có hành vi vi phạm luật an ninh mạng. Tuy nhiên, do bộ luật mới ban hành được một tháng nên chưa có dấu hiệu vi phạm.

Dù sao thì Trung Quốc cũng đang hướng tới một tương lai có camera nhận diện khuôn mặt ở khắp mọi nơi.

Theo Leng Biao, giáo sư khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tại Đại học Hàng không Bắc Kinh, Trung Quốc: "Trung Quốc sẽ luôn đi trước các nước phương Tây trong công nghệ nhận diện khuôn mặt. Từ quan điểm chiến lược của chính phủ, công nghệ này sẽ tiến xa hơn so với Mỹ và các nước châu Âu".

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư
http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2216820/trung-quoc-ung-dung-cong-nghe-nhan-dien-khuon-mat-nhanh-the-nao