Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới đồng thời là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn của Mỹ, công ty viễn thông Trung Quốc cũng là khách hàng nhập khẩu chip lớn thứ ba do Mỹ sản xuất.
Vào ngày 15/5, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại hạn chế xuất khẩu, cấm các công ty Mỹ bán thiết bị và công nghệ cho Huawei trừ khi nhận được sự cấp phép từ chính phủ. Sau đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã nới lỏng lệnh cấm, gia hạn cho Huawei thêm 90 ngày, tức là lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 8 tới.
Các công ty công nghệ đặc biệt là các nhà sản xuất chip của Mỹ cho rằng lệnh cấm đã làm tổn hại đến sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất chip ở Mỹ. Theo đó, lệnh cấm khiến các công ty Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ và tìm cách phát triển các nguồn cung thay thế.
Việc tuyên chiến với Huawei có khi nào sẽ là đòn bẩy giúp Trung Quốc chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây? Ảnh: Interesting Engineering
|
Một số nhà sản xuất chip của Mỹ lập luận rằng việc mất doanh thu do ngừng hợp tác với Huawei và các chi nhánh của họ có thể khiến các công ty này buộc phải cắt giảm chi phí dành cho nghiên cứu và thí nghiệm, theo đó làm chậm lại quá trình phát triển chip mới. Điều này chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho lĩnh vực công nghệ quân sự của Mỹ vì đặc thù ngành này luôn đòi hỏi và phụ thuộc vào các con chip nhanh hơn và khỏe hơn. Các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng trở nên dễ bị tổn thương trong các cuộc tấn công vì nó cũng phụ thuộc vào chip.
Hiện chưa rõ đã có cuộc thảo luận nào giữa các nhà sản xuất chip với phía chính phủ Mỹ hay chưa. Các công ty công nghệ Mỹ cho biết họ đang hành động hết sức cẩn thận vì quan ngại các chính sách từ phía chính phủ đối với các công ty Trung Quốc có thể khiến họ bị trả thù.
Các công ty Mỹ không phải lúc nào cũng xin được giấy phép từ phía chính phủ để bán thiết bị cho các công ty nằm trong danh sách đen thương mại. Danh sách thực thể này được tạo ra để xử phạt các công ty nước ngoài mà chính phủ Hoa Kỳ cho rằng các công ty này là mối đe dọa cho nền an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Các nhà sản xuất chip Mỹ vẫn đang hi vọng một sự kiện tương tự diễn ra vào tháng 7 năm ngoái sẽ lặp lại. Ngày 14/7/2018, Bộ Thương mại Mỹ công bố chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ZTE, một đối thủ của Huawei.
Vào tháng 4/2018, chính quyền Trump thông báo cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm với lý do ZTE đã vi phạm lệnh cấm vận khi bán các sản phẩm công nghệ của Mỹ cho Iran và Triều Tiên. Sự kiện này đã khiến ZTE lâm vào cảnh lao đao. Sau 3 tháng kể từ khi lệnh cấm được ban bố, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm sau khi phía ZTE đồng ý trả 1 tỷ USD tiền phạt và cơ cấu lại đội ngũ quản trị của công ty.
Hiện chúng ta vẫn chưa thể biết được liệu chính phủ Mỹ có hành động tương tự với Huawei như đã làm với ZTE hay không. Nhiều chuyên gia suy đoán rằng việc đưa Huawei vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu thực chất chỉ là một chiến thuật nhằm tăng áp lực lên chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.
Chính phủ Trung Quốc đã liên tục đưa Huawei lên bàn đàm phán thương mại, James, phó Chủ tịch cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết. “Huawei biết “người” duy nhất có thể cứu họ trong cuộc đối đầu với Mỹ là chính phủ Trung Quốc", Jame nói thêm.
Theo The Washington Post