Các chuyên gia họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giám định pháp y và pháp y tâm thần

VietTimes – Ngày 16/12, tại Đà Nẵng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về quy trình và chế độ cho người thực hiện giám định pháp y.
Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung các thông tư quy định về quy trình và chế độ cho người thực hiện giám định pháp y do Cục Quản lý Khám và chữa bệnh đã tổ chức diễn ra ngày 16/12, tại Đà Nẵng.

Nội dung lấy ý kiến sửa đổi xoay quanh nội dung Thông tư số 31/2015/TT-BYT quy định việc áp dụng chế độ bồi dưỡng, thời gian và số người thực hiện giám định đối với từng loại việc giám định pháp y, pháp y tâm thần và Thông tư số 23/2019/TT-BYT quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần.

Đây là 2 chuyên ngành chuyên khoa chuyên sâu của ngành y tế, không thu hút người theo học và làm việc, đòi hỏi có những chính sách khuyến khích và đặc thù để góp phần nâng cao chất lượng công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần, đảm bảo an sinh xã hội và nhiệm vụ chính trị của ngành y tế.

Cần tăng chế độ bồi dưỡng cho người thực hiện giám định pháp y

Phát biểu tại hội thảo, TS.Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - cho biết: Sau 7 năm thực hiện Thông tư số 31/2015 việc sửa đổi là cần thiết để phù hợp với tình hình, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần.

“Đó là mức bồi dưỡng chưa tương xứng với hao tổn của giám định viên làm việc trong môi trường độc hại và chịu nhiều áp lực tâm lý, phải thường xuyên ra toà giải thích kết luận giám định; Không có sự khác biệt giữa về chế độ bồi dưỡng giám định đối với trường hợp giám định khó, phức tạp cần có chuyên gia có trình độ cao với các vụ việc đơn giản…” - TS.Cao Hưng Thái chia sẻ.

Còn TS.Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp Y Quốc gia - cho rằng: Thông tư số 31/2015/TT-BYT sau 7 năm thực hiện bộc lộ nhiều bất cập không còn phù hợp với tình hình hiện tại, trượt giá 30%, nếu theo mức lương mới trượt giá nhiều hơn. Việc thanh toán tiền bồi dưỡng giám định có vai trò khích lệ, động viên công sức các cán bộ làm công tác pháp y , có những vụ việc kéo dài nhiều năm, cán bộ giám định phải ra toà giải thích kết quả giám định, giải quyết đơn thư,… Nhiều vụ việc chậm chi trả, thậm chí không chi trả cho công tác giám định pháp y lên đến hàng trăm triệu đồng…

TS.Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại sự kiện

Tại hội thảo các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần tăng chế độ bồi dưỡng cho giám định viên và người giúp việc làm trong lĩnh vực giám định pháp y mới tương xứng với công việc và động viên khuyến khích những người làm công tác pháp y. Các trường hợp giám định lại và giám định hội đồng thường là các vụ việc phức tạp mất nhiều thời gian và thường xuyên ra tòa, tiếp công dân nên mức tiền bồi dưỡng phải cao hơn giám định lần đầu…

Quá tải giám định pháp y tâm thần

Cũng theo TS. Cao Hưng Thái, Thông tư số 23/2019-TT-BYT về quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu trong sử dụng pháp y tâm thần cũng nhận nhiều phản ánh cần thay đổi, trong đó có Bộ Công an kiến nghị nghiên cứu sửa đổi Thông tư 23 để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Giám định pháp y tâm thần là lĩnh vực khó khăn, đối với người mất năng lực hành vi, có đối tượng giả tâm thần để trốn trách nhiệm hình sự, gây khó khăn, một số kết luận của ngành y tế đặt câu hỏi giám định đúng hay chưa, cần xem xét sửa đổi quy trình cho phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng, Thông tư 23/2019 về quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu trong sử dụng pháp y tâm thần các đại biểu cũng đề nghị đối với giám định sức khoẻ tâm thần theo yêu cầu: Việc yêu cầu cung cấp sơ yếu lý lịch có xác nhận chính quyền địa phương, một số chính quyền địa phương không xác nhận vì đối tượng mắc bệnh tâm thần, chậm phát triển... không tự viết, tự ký được. Những trường hợp này, gia đình viết, ký thay lý lịch chính quyền địa phương không xác nhận nên không cung cấp được cho cơ quan thực hiện giám định.

Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng gặp nhiều khó khăn như chính quyền xã, phường, tổ dân phố, trạm y tế, hàng xóm, người thân,...một số nơi chưa phối hợp tốt với cơ quan tố tụng. Đối với Vụ án vụ việc dân sự: cơ quan tố tụng tòa án sẽ cung cấp hồ sơ, thông tin này gặp khó khăn, Tòa án không nhiều thời gian để đi xác minh, chỉ yêu cầu đương sự cung cấp…

Quang cảnh hội nghị

Trước thực trạng này, các chuyên gia đã đề nghị sửa đổi một số quy định về hồ sơ trưng cầu giám định trong các vụ việc tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự và tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi của tòa án dân sự theo hướng đơn giản, cụ thể và sát với thực tế.

Còn BSCKII Lâm Văn Thành- Trưởng khoa điều trị bắt buộc nam, Viện pháp y tâm thần Trung ương - cho biết, với chức năng của mình, Viện thực hiện tiếp nhận giám định cho các đối tượng tại 19 tỉnh thành phía bắc. Trung bình mỗi tháng giám định pháp y tâm thần cho khoảng 40 vụ án hình sự và khoảng từ 480-500 trường hợp trên 1 năm và khoảng 250 trường hợp giám định theo yêu cầu các vụ án hành chính 1 năm.

“Tuy nhiên Viện chỉ có 10 giám định viên, thiếu khoảng 20 giám định viện để đảm bảo công tác giám định. Trong khi đó, phần quy định về thời gian khám bệnh quy định 3 giờ/ngày cho một đối tượng giám định. Với mức quy định này thì mỗi giám định viện trong giờ hành chính chỉ có thể thăm khám cho không quá 3 đối tượng giám định/ngày”- BSCKII Lâm Văn Thành chia sẻ.

Cũng theo BSCKII. Lâm Văn Thành, trên thực tiễn xu hướng các đối tượng giám định ngày càng đông, trong khi đó đội ngũ giám định viên quá ít dẫn đến quá tải công việc. Giám định viên phải làm thêm giờ quá nhiều, chưa đảm bảo theo quy định của Bộ luật lao động về tổng làm thêm giờ trong một năm không qúa 300 giờ. Khi thực hiện việc thanh quyết toán với các cơ quan tài chính thường bị ách lại vì vi phạm quy định trong việc vượt quá thời gian làm thêm giờ trong một năm.