Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương vừa lên tiếng cảnh báo rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Người dùng nên cảnh giác với các hành vi sau để bảo vệ quyền lợi của mình:
- Cung cấp nội dung thiếu, không chính xác:
Nhân viên tư vấn không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; về cách thức tính lãi phạt; về thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng.
Thiếu sót này làm cho người tiêu dùng không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt.
Trong nhiều trường hợp, khi người tiêu dùng thắc mắc về mức tiền phạt thì không nhận được sự giải thích nhanh chóng, chính xác từ phía công ty. Thậm chí, đa số trường hợp gặp phải tình trạng đẩy trách nhiệm từ phía nhân viên tư vấn sang tổng đài công ty và ngược lại.
- Không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng:
Sau khi ký kết hợp đồng, bản chính của hợp đồng không được cung cấp kịp thời cho người tiêu dùng. Đối với một số trường hợp, sau khi ký kết vài tháng và khi có yêu cầu của người tiêu dùng thì công ty mới gửi hợp đồng.
Việc không cung cấp hợp đồng và thiếu sót trong cách thức cung cấp thông tin của các nhân viên tư vấn khiến cho người tiêu dùng không tiếp cận được với các điều khoản quy định điều chỉnh món tiền vay của mình, do đó, rất dễ mắc phải các lỗi phạt trong quá trình trả nợ hàng tháng.
- Không thông báo rõ ràng mục đích thu thập thông tin:
Trong quá trình thu thập thông tin để làm hồ sơ vay tiền, người tiêu dùng không được thông báo là các số điện thoại của người thân sẽ được sử dụng trong quá trình thu hồi nợ (nếu có) phát sinh về sau.
Họ chỉ được thông báo việc thu thập số điện thoại của người thân nhằm mục đích xác minh khoản vay, tuy nhiên, thực tế nhân viên thu hồi nợ thường xuyên và liên tục liên hệ với người thân để tác động kèm theo đe dọa và quấy nhiễu nhằm thu hồi nợ của khách hàng.
- Quấy nhiễu, đe dọa để thu hồi nợ:
Trong tất cả các vụ việc hiện đang được Cục Quản lý cạnh tranh xem xét, giải quyết, tất cả người tiêu dùng và cả người thân của người tiêu dùng thường xuyên và liên tục bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ.
Những cuộc điện thoại và tin nhắn này liên tục kèm theo nội dung đe dọa với lời lẽ thiếu tôn trọng người nghe. Thậm chí, rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện lúc tối muộn và tần suất liên hệ trên dưới 10 cuộc/ngày.
Qua những hành vi nêu trên, Cục Quản lý cạnh tranh cảnh báo lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các hành vi xâm phạm này được thực hiện rất khéo léo, thường đánh vào đặc điểm chính của loại hình tín dụng tiêu dùng là thủ tục đơn giản và thời gian giải ngân nhanh.
Tự bảo vệ mình
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý cạnh tranh, trước khi sử dụng dịch vụ vay tín dụng tiêu dùng, người dùng nên tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng. Nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức tín dụng tiêu dùng tại các tổ chức tài chính.
Người dùng nên tham khảo, hỏi ý kiến người thân, bạn bè hoặc tham khảo thông tin trên mạng Internet để xem các đánh giá của cộng đồng người tiêu dùng về dịch vụ, uy tín của công ty cung cấp dịch vụ.
Trước khi đặt bút ký hợp đồng, người dùng nên đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng cần lưu giữ tất cả hóa đơn, tài liệu liên quan, bao gồm: hợp đồng, các tài liệu hướng dẫn do công ty cung cấp, các hóa đơn nộp tiền và các tài liệu liên quan khác để làm chứng cứ cho các hoạt động của mình.
Nếu có vấn đề phát sinh hoặc thắc mắc, cần chủ động liên hệ trực tiếp theo số máy điện thoại được cung cấp trên hợp đồng của công ty.
Trường hợp đã phản ánh, liên hệ nhưng vấn đề chưa được làm rõ hoặc giải quyết, cần phản ánh tới bên thứ ba (các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở Công Thương trên địa bàn hoặc Cục Quản lý cạnh tranh) để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Theo Tuổi trẻ