Cả nước chỉ có hơn 200 chuyên viên an toàn thực phẩm

VietTimes -- Cùng với việc kinh phí đầu tư cho ATTP phẩm ít, việc cán bộ quản lý ATTP còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn khiến việc kiểm tra, đảm bảo VSATTP khó có thể đảm bảo.
Ngộ độc thực phẩm ở một KCN - (Nguồn Internet)
Ngộ độc thực phẩm ở một KCN - (Nguồn Internet)

Thông tin trên được nên lên trong Báo cáo Công tác quản lý về an toàn thực phẩm vừa được Bộ Y tế công bố.

Theo đó, những năm qua, nhờ được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp …, công tác bảo đảm ATTP đã có những kết quả hết sức nổi bật.

Đặc biệt là việc hình thành được được hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý và việc tổ chức được hệ thống quản lý ATTP từ Trung Ương đến địa phương. Điều này góp phần đẩy mạnh ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP, làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn....

Kết quả, từ năm 2011 - 2015 cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỷ đồng, ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, công tác ATTP hiện nay vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể hay tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm...

Mặc dù rủi ro do sử dụng thực phẩm là rất khó tránh khỏi, tuy nhiên nguyên nhân lớn nhất là do ý thức người dân trong sản xuất, tiêu dùng thực phẩm: các cơ sở sản xuất chế biến theo mùa vụ, nhỏ lẻ, khó kiểm soát; người dân còn nhiều tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm như: Ăn tiết canh, ăn gỏi cá...

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn kinh phí cũng như nhân lực để quản lý thị trường, ngăn chặn thực phẩm không an toàn đang là câu hỏi lớn đối với các cơ quan chức năng. Hiện, Cả nước chỉ có hơn 200 chuyên viên An toàn thực phẩm nên khó xử lý hết được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Để khắc phục tình trạng trên, Cục quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã có những kiến nghị với các cơ quan chức năng như tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh ATTP,... tăng cường chất lượng giám sát, quản lý vệ sinh ATTP; tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức, đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ tuyến dưới để đáp ứng công tác quản lý...