|
Ảnh minh họa |
Guillaume Le Saux là thuyền trưởng tàu lắp đặt và sửa chữa hệ thống cáp biển mang tên Pierre de Fermat của nhà mạng Orange, Pháp. Ông đã có hơn 16 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này.
- Cá mập có cắn cáp quang không thưa ông?
Có, cá mập có thể đánh hơi thấy các bức xạ điện từ và vì tính hiếu kì nên sẽ cắn dẫn đến hư hỏng. Khi biển ấm, tuỳ vào khu vực chúng tôi sẽ bọc những đường dây bằng các ống nhôm ngăn sóng. Nếu không cảm nhận được năng lượng toả ra chúng sẽ không thấy cáp để phá hoại nữa.
- Còn cá voi thì sao?
Cá voi không hề cắn hay làm ảnh hưởng đến cáp mạng, bởi đường dây được đặt sâu dưới đáy biển và chúng không lặn xuống dưới để phá hoại.
- Liệu các dây cáp luôn được đặt đáy biển kể cả ở những nơi sâu nhất của đại dương?
Khi chuẩn bị lắp đặt các kỹ sư đã tính toán chi tiết để không tiêu tốn quá nhiều vật liệu, ví dụ như tránh lắp đặt ở các khu vực có núi ngầm. Tuy nhiên để nối từ Châu Âu sang Mỹ, đường dây bắt buộc phải xuyên qua Đại Tây Dương, dưới độ sâu 5.000 mét. Một phần nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo các sợi cáp nằm đúng vị trí đó.
- Các khu vực cáp ngầm này có phương pháp bảo vệ nào để đảm bảo ít bị hư hại?
Những đường dây này có ý nghĩa rất quan trọng đến việc giao tiếp giữa các quốc gia với nhau, do đó vì lợi ích riêng và chung, các nước được nối cáp đều tham gia bảo vệ cáp biển.
Một trong những phần quan trọng nhất của công việc là đặt cáp xuống biển, thường sẽ có cảnh sát bao quanh để ngăn nhiều người vây quanh để trộm và phá đường dây.
- Việc ăn trộm cáp đã xảy ra bao giờ chưa?
Có, ở Indonesia, nhưng không thường xuyên lắm, rất ít trường hợp cố ý phá hoại.
Lúc đó mọi người đưa hệ thống xuống biển và rời đi để lắp đặt ở chỗ khác. Một số ngư dân đến, lấy 200 mét dây, cuộn lên thuyền, chụp hình lại và đòi tiền chuộc. Đường dây này chỉ mới được hạ xuống chưa hoạt động nên các thuỷ thủ đoàn sửa lại, không chấp nhận yêu cầu. Chúng tôi chưa từng tưởng tượng phải trả tiền cho những kẻ ăn trộm.
- Cáp biển bị hỏng vì những lý do nào thưa ông?
80% là do các hoạt động của con người theo thời gian. Trong đó chiếm nhiều nhất là việc thả lưới đánh cá. Với sức kéo ngang ngửa với 2 chiếc xe buýt ở London dưới đáy đại dương, khả năng gây tổn hại cáp là rất cao.
Ngoài ra cáp biển cũng bị hỏng do việc thả neo. Trường hợp này cũng không quá hiếm bởi nhiều lúc thuyền trưởng cũng mắc phải sai lầm. Một vài nước ở Châu Phi có cảng đậu ngay khu vực đặt cáp. Thỉnh thoảng bão hay thuyền bị xô đẩy làm mỏ neo chuyển động đè lên đường dây.
Nguyên nhân còn lại thuộc về thiên nhiên. Ví dụ như sóng thần ở Châu Á năm 2015 đã khiến các tàu sửa chữa phải làm việc nhiều tháng liền để khắc phục hậu quả.
- Ông nhận bao nhiêu thông báo trước khi đi sửa?
Thường chủ sở hữu của các đường dây sẽ báo lỗi qua hotline. Chúng tôi phải tiếp cận khu vực cần sửa chữa trong vòng 24 giờ và ở ngoài đó trong vòng 1 - 2 ngày.
- Ông đến với nghề bao lâu rồi?
Tôi gắn bó với chức vụ thuyền trưởng khoảng 4 năm rưỡi, trước đó đã từng là trưởng phòng, kỹ sư và thuyền phó. Hơn 16 năm làm việc từ vị trí nhỏ đến lớn, tôi đã dành cả sự nghiệp mình trên tàu sửa chữa cáp này.
- Ngành công nghiệp này đã thay đổi thế nào 16 năm qua?
Internet tập trung vào các doanh nghiệp, khả năng truyền tải của dây cáp nhiều hơn nên bạn không cần phải lắp đặt quá nhiều đường dây như trước. Nhiều quốc gia quan tâm hơn về vấn đề này, ví dụ 15 năm trước Trung Quốc không có một chiếc tàu sửa chữa cáp nào thì bây giờ họ đã trang bị để sẵn sàng khắc phục các sự cố bất ngờ.
- Ông có nghĩ công việc của mình sẽ kết thúc khi nhân loại sử dụng Internet không cần cáp?
Tôi chắc là không. Chúng ta luôn cần cáp bởi khả năng truyền tải thông tin mạnh mẽ và tốn ít chi phí hơn vệ tinh.
- Internet trên tàu ông thế nào?
Tệ lắm (cười lớn), bởi chúng tôi sử dụng Internet từ vệ tinh, không phải bằng cáp.
Theo Zing