|
Cá nuôi trên sông Bưởi chết vì ô nhiễm nguồn nước |
Theo đó, ông Nguyễn Trần Anh - Phó giám đốc Sở TN&MT Hòa Bình - Tổ trưởng tổ kiểm tra, xử lý tình trạng xả thải trên sông Bưởi cho biết, Sở này đã ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình 480 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm sông Bưởi.
Trước đó, Công ty này cũng đã bị đình chỉ 6 tháng, buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hành vi xả nước thải chưa qua xử lý và xả nước thải ra nguồn nước khi chưa được cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước. Công ty phải hoàn thành các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra đạt yêu cầu mới cho hoạt động trở lại.
Trước thông tin dư luận cho rằng, việc đình chỉ Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình trong vòng 6 tháng chỉ mang tính hình thức bởi hiện tại vụ mía đã kết thúc, việc đình chỉ không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và 6 tháng nữa cũng là thời điểm vụ mía bắt đầu, đúng thời điểm công ty được hoạt động trở lại.
Lý giải về việc này, ông Trần Anh cho biết. “Chúng tôi xử phạt phải căn cứ theo luật. Chúng tôi chỉ được phép xử phạt trong khung từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, trong thời gian này nếu phát hiện công ty tiếp tục sai phạm, chúng tôi sẽ tăng thêm hình phạt”.
Trước đó, qua kiểm tra ban đầu, các ngành chức năng đã phát hiện, nhà máy đường, thuộc Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình là đơn vị xả thải chưa qua xử lý xuống ông Bưởi. Bắt đầu từ ngày 4/5/2016, người dân địa phương các xã sống ven sông Bưởi, đoạn qua huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa phát hiện nước sông ô nhiễm, cá có hiện tượng chết hàng loạt.
Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình bước đầu đã nhận lỗi xả thải chưa qua xử lý xuống sông Bưởi và đồng ý hỗ trợ người nuôi cá tại địa phương bị thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng.
Theo Dân trí