BVSC: Giá điện tăng không gây rủi ro quá lớn cho lạm phát

VietTimes -- Theo tính toán của BVSC, với tỷ trọng của nhóm hàng điện trong rổ tính CPI chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3%. Đây là tác động vòng 1 và mang tính trực tiếp nhất.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường Quý 1/2019, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ghi nhận mức tăng giá của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thời điểm cuối tháng 3/2019, mặc dù có sự trồi sụt qua các tháng trong Quý 1/2019 do ảnh hưởng của yếu tố ngắn hạn, vẫn đang duy trì mặt bằng khá thấp so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhận định về việc tăng thêm giá điện 8,36% vào cuối tháng 3/2019, các chuyên gia BVSC cho rằng việc điều chỉnh này nhiều khả năng sẽ không gây rủi ro đối với lạm phát tổng thể trong năm nay.

“Theo tính toán của chúng tôi, với tỷ trọng của nhóm hàng điện trong rổ tính CPI chỉ chiếm 3,5% thì việc tăng giá điện trung bình thêm 8,36% dự kiến sẽ khiến chỉ số CPI tổng thể tăng thêm khoảng 0,3% (tác động vòng 1 mang tính trực tiếp nhất)” - báo cáo của BVSC cho hay.

Cũng theo báo cáo này, do thời điểm tăng giá vào ngày 20/3/2019 nên mức tăng 0,3% trên sẽ chỉ phân bổ một phần vào số liệu CPI của tháng 3, còn lại sẽ tiếp tục phản ánh trong tháng 4/2019.

Dẫn chứng số liệu quan sát từ năm 2010 đến nay, BVSC cho biết giá điện bình quân đã được tăng 9 lần với mức tăng cao nhất thuộc về năm 2011 với 15,3%. Kể từ năm 2013 đến nay, giá điện đã được điều chỉnh thưa hơn và biên độ mỗi lần tăng cũng thấp hơn (từ 5-9%).

Trong quá khứ, tác động vòng 2 của giá điện lên mặt bằng giá cả chung trên thị trường trong thời gian từ 3-6 tháng sau đó không thật sự rõ ràng (thậm chí có những năm CPI vẫn giảm dù giá điện tăng như 2015).

Theo quan sát của BVSC, những năm CPI tăng mạnh mà có sự điều chỉnh giá điện (giai đoạn 2010-2011) thì ngoài yếu tố này, lạm phát những năm đó còn bị tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cung tiền gia tăng mạnh.

“Trong giai đoạn hiện tại, chúng tôi cho rằng các yếu tố liên quan đến cung-cầu trong nền kinh tế đang không tạo ra nhiều rủi ro đối với lạm phát như lần điều chỉnh giá điện năm 2011. Do vậy, tác động mang tính lan tuyền gián tiếp lên mặt bằng giá cả từ việc giá điện tăng trong năm nay là có nhưng sẽ ở mức hạn chế” - các chuyên gia BVSC đánh giá.

Các dự báo chỉ số CPI và lạm phát 2019 của BVSC (Nguồn: BVSC)

Bên cạnh đó, BVSC cũng tiết lộ việc điều chỉnh giá điện đã được đưa vào mô hình dự báo với giả định tăng 7,5%. Mức tăng thực tế 8,36% không cao hơn nhiều và không ảnh hưởng trọng yếu đến mô hình dự báo của công ty chứng khoán này.

Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra những nhận định về diễn biến giá dầu trong năm 2019. Kể từ đầu năm tới nay, giá dầu Brent đã tăng khá mạnh (gần 30%) và hiện đã vượt mốc 73 USD/thùng.

Trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu Brent đóng cửa ở mức 70 USD/thùng vào cuối năm nay thì theo mô hình định lượng của BVSC, lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2019 sẽ ở mức 3,53%.

Xét trong ngắn hạn, BVSC nhận định giá dầu thế giới có thể vẫn nhận được sự hỗ trợ từ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran (ngày 2/5/2019 sắp tới là thời điểm Mỹ xem xét dừng việc miễn trừ cho một số nước được nhập khẩu dầu từ Iran).

Trong khung thời gian dài hơn, khả năng dầu thô tăng giá mạnh tiếp trong các quý tới không còn nhiều xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và nguồn cung dầu đá phiến tại Mỹ đang tăng trở lại nhờ những nút thắt về cơ sở hạ tầng truyền dẫn dầu dần được gỡ bỏ.

Trên cơ sở đó, BVSC duy trì dự báo giá dầu Brent vào thời điểm cuối năm sẽ ở quanh mức 70 USD/thùng./.