Do sự cố vỡ ống nước sông Đà, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chịu tình cảnh mất nước từ thứ 6 tuần trước, phải dùng nguồn nước dự trữ. Tuy nhiên đến chiều qua (29/9), bể trữ nước hơn 400 khối đã cạn kiệt, bệnh viện phải mua 2 xe nước song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Sự cố mất nước khiến công tác cấp cứu, khám chữa và điều trị tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội bị ảnh hưởng. Lãnh đạo bệnh viện phải báo cáo lên Sở Y tế nhờ hỗ trợ.
Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện bệnh viện đang tạm dừng các ca mổ chủ động, các ca không cần mổ cấp cứu cho đến khi đủ nước trở lại. Với những ca cần kíp nhưng không đủ điều kiện, phải chuyển lên trung ương.
"Tôi đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải làm văn bản gửi ngay đến các bệnh viện đa khoa có khoa sản để họ sẵn sàng tiếp nhận nếu như có bệnh nhân từ bệnh viện phụ sản chuyển đến", bà Liên nói.
Theo bà Liên, khi mất nước, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh, đặc biệt vệ sinh thường xuyên phải được quan tâm đặc biệt. "Chúng tôi cũng đã yêu cầu bệnh viện phải thành lập ngay đoàn chuyên trách, kiểm tra các nhà vệ sinh, các vị trí, nếu thấy thiếu nước phải cung ứng ngay lập tức để đảm bảo vệ sinh cho toàn bệnh viện".
Về kinh phí, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Bệnh viện Phụ sản tạm thời điều chỉnh kinh phí cho phù hợp, đáp ứng tối thiểu nhu cầu của bệnh viện. Khi có khó khăn, báo cáo Sở, Sở sẽ có điều tiết.
Bà Liên cũng cho biết, đến nay ngoài Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chưa có bệnh viện nào báo cáo về tình trạng mất nước nghiêm trọng.
Gầm giường của các sản phụ lỉnh kỉnh các chai lọ chứa nước sạch |
Lúc 12h30, bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đường ống đấu từ nhà máy nước dự trữ về bệnh viện đã bắt đầu hoạt động, hiện đã tích được gần 1/3 bể nước, dành ưu tiên 24/24 cho các khoa cấp cứu, nhiễm khuẩn, mổ đẻ.
"Các khoa phòng còn lại sẽ phải cắt nước luân phiên để tiết kiệm nước. Hiện nhân viên y tế cũng không được tắm tại bệnh viện để dành nước phục vụ người bệnh", bà Nguyệt thông tin.
Bà Nguyệt cho biết thêm, đến nay bệnh viện chỉ kéo dài lịch mổ cho những sản phụ chờ mổ chủ động, khi sức khỏe thai nhi và bà mẹ ổn định còn chưa có ca cấp cứu hay mổ đẻ nào phải tạm dừng vì thiếu nước. Tuy nhiên nếu tiếp tục thiếu nước trong thời gian dài, sẽ tính đến phương án chuyển viện.
Theo bà Nguyệt, mỗi lần vỡ đường ống nước sông Đà, bệnh viện đều mất nước. Tuy nhiên do có bể dự trữ nên thiếu 1-2 ngày không sao, nhưng từ ngày thứ 3 trở đi thì tình hình rất nghiêm trọng. Những lần trước, chưa khi nào mất nước quá 3 ngày.
Chăm sóc vợ chờ mổ đẻ vào đúng những ngày Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mất nước, anh Nguyễn Văn Thạo (chồng sản phụ Hoa, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, đã 3 ngày nay vợ anh phải hoãn mổ đẻ, chừng ấy ngày, bản thân anh cũng không được tắm vì hết nước.
Quần áo bẩn chất đống tại bệnh viện |
Theo anh Thạo, đỉnh điểm đợt mất nước là vào tối qua, để có nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải mua nước lọc phục vụ nhu cầu tối thiếu như đánh răng, rửa mặt còn tắm, giặt phải... ngưng hết.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực sản khoa với trên 1.000 cán bộ. Mỗi ngày bệnh viện có hơn 1.000 lượt người đến khám chữa bệnh, xét nghiệm siêu âm, 600 bệnh nhân và gần 400 bé sơ sinh ra đời, thêm cả người nhà đi theo phục vụ thì số lượng lên tới hàng nghìn người. Lượng nước đủ để phục toàn bệnh viện lên tới 300-400 khối mỗi ngày.
Theo VNN