Buýt nhanh Hà Nội sẽ có đoạn đi chung với phương tiện khác

VietTimes -- Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có Thông báo về phương án tổ chức, điều hành giao thông khi đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động thí điểm.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Theo đó, đối với các đoạn tuyến (Ba La - Yên Nghĩa và Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ) thực hiện phương án tổ chức giao thông hỗn hợp cho BRT đi chung với các phương tiện khác.

Đối với các đoạn tuyến phân làn BRT đi riêng như đoạn Ba La-nút giao Giảng Võ-Cát Linh, tổ chức phân làn bằng vạch sơn liền kết hợp đinh phản quang, trong đó bố trí tăng dày đinh phản quang tại các đoạn nhà chờ.

Với các điểm quay đầu do liên ngành giao thông và công an kiến nghị đóng, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu thực hiện phương án đóng tạm thời để đảm bảo linh hoạt tổ chức giao thông sau này, trừ điểm quay đầu trước cổng Triển lãm Giảng Võ, thực hiện đóng cố định để thi công cầu thang bộ, cầu đi bộ và lối đi tiếp cận nhà chờ; điều chỉnh lại điểm quay đầu tại khu vực này đảm bảo an toàn, thuận tiện giao thông.

Phía Sở Giao thông Vận tải cũng lưu ý việc tổ chức giao thông cho người dân tiếp cận nhà chờ xe buýt được thuận lợi an toàn, đồng thời thiết kế đồng bộ hệ thống các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông đảm bảo tuyến BRT vận hành an toàn.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị hợp với Tổng công ty vận tải Hà Nội trình phương án vận hành tuyến BRT và việc điều chỉnh các tuyến buýt có liên quan đảm bảo việc kết nối thuận tiện giữa buýt BRT và các tuyến buýt khác trong khu vực. Các công việc phải xong trong đầu tháng 12 để đưa tuyến buýt BRT vào vận hành thí điểm trước ngày 15/12 tới.

Xe buýt nhanh có sức chở 90 hành khách và dự kiến tần suất xe chạy 3 phút/chuyến. Tổng chi phí cho dự án trên 53,6 triệu USD, vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo các nhà quản lý dự án, với tuyến xe buýt nhanh mới, hành khách đi từ Kim Mã đến Yên Nghĩa sẽ chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.

Trước đó, trả lời báo chí TS Mai Hải Đăng, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế (Đại học GTVT) cho biết: BRT là loại hình vận tải công cộng, quy mô lớn, hiện đại dựa trên nguyên tắc vận hành trên một tuyến đường riêng. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này tại Hà Nội bằng cách “xén” những tuyến đường có mật độ giao thông cao, nhiều giao cắt như tuyến Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương là không đạt chuẩn BRT.