Bùng phát website mạo danh lãnh đạo cơ quan Đảng, Nhà nước

VietTimes -- Vừa qua, Văn phòng Quốc hội thông báo về sự xuất hiện của 19 trang thông tin điện tử (website) đi kèm với 36 tên miền quốc tế mạo danh Quốc hội (QH), lãnh đạo QH và lãnh đạo các cơ quan của QH. 36 tên miền này đều được đăng ký tại tổ chức ở nước ngoài và sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin chủ thể.
Danh sách từ Văn phòng Quốc hội cung cấp
 Danh sách từ Văn phòng Quốc hội cung cấp

Khó xử lý tận gốc 

Các website được thiết kế với giao diện giống nhau và cùng đăng tin, bài tổng hợp về hoạt động của QH, các lãnh đạo QH và lãnh đạo các cơ quan của QH, gây hiểu lầm đây là các trang chính thức của QH. Các hành vi giả mạo này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm nhiễu loạn thông tin, mất an toàn an ninh xã hội.

Theo quan sát của VietTimes, ngôn ngữ hiển thị chủ yếu là tiếng Việt, bên cạnh đó còn có tiếng Anh. Bài viết trong các chuyên mục vừa có tác giả viết đứng tên, vừa có lấy lại từ các nguồn báo mạng trong nước và đều được “đăng bởi ban biên tập” (!?).

Nhiều trang còn liên kết đến các trang thông tin dạng blog trên các mạng xã hội nổi tiếng: Facebook, Multiply, Blogspot, Blog, WordPress, Flickr, Twitter…

Trao đổi với PV, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, có thể thấy những vi phạm phần lớn xuất phát từ việc các chủ thể lợi dụng đăng ký các tên miền quốc tế và xây dựng trang thông tin điện tử tại các tổ chức ở nước ngoài để thực hiện lừa đảo qua mạng, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, cá độ, đánh bạc... Việc xử lý hành vi vi phạm này là vấn đề không đơn giản do khó xác định được chủ thể tên miền nên không thể can thiệp, xử lý đối với các trang thông tin điện tử vi phạm. Đây chính là nguyên nhân gây trở ngại trong công tác quản lý nhà nước về tên miền quốc tế dạng này.

Nhận diện, sàng lọc nguồn thông tin trên mạng

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV về xử lý thông tin xấu độc trên mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ cần phải nhận diện được vi phạm trên không gian mạng, việc đấu tranh xử lý vi phạm đòi hỏi có sự tham gia không chỉ của một số cơ quan chức năng mà của tất cả mọi người và toàn xã hội.

Trang Web chính thống của Quốc hội

Trang Web chính thống của Quốc hội

Đđể đấu tranh loại trừ thông tin xấu độc, thông tin xuyên tạc, sai sự thật đòi hỏi phải “nhận diện” được đâu nguồn thông tin chính thống đâu là không chính thống trên Internet. Những dấu hiệu nhận diện có thể xem xét trên các yếu tố như: Tên miền được sử dụng cho Website, nội dung, cấu trúc Website, địa chỉ IP lưu trữ nội dung của Website, Website có xác thực số...

Các nguồn tin chính thống, đặc biệt là tin tức chính trị, luật pháp của Việt Nam được đăng, phát trên báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước với “nhận diện” là sử dụng tên miền “.vn”.

"Cụ thể, theo quy định pháp luật, báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 1 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam. Cùng với đó, các website chính thống của các cơ quan, tổ chức thường có đầy đủ các chuyên mục tương ứng với chức năng nhiệm vụ, có giới thiệu về cơ cấu tổ chức, thông tin liên hệ, chứng thực rõ ràng", đại diện VNNIC cho biết.

Để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm trong cung cấp thông tin trên mạng có tính chất xuyên biên giới đòi hỏi có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý trong nước, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia khác.

"Bên cạnh đó, việc quản lý không đơn thuần là xử lý hành chính hay ngăn chặn bằng các biện pháp kỹ thuật, mà hơn hết, người sử dụng cần nâng cao khả năng tự sàng lọc, nhận diện thông tin trên mạng, tránh bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước", đại diện VNNIC nói thêm.