Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật khí tượng thuỷ văn chiều 24/6, các ĐBQH lưu ý, dự thảo Luật phải đưa ra quy định chặt chẽ về trách nhiệm khi đưa ra bản tin dự báo sai.
Mở đầu bài phát biểu thảo luận về dự thảo Luật khí tượng thuỷ văn, ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) mất tới nửa thời lượng được phép để phân tích về thiên văn, thuỷ văn để góp. Sở dĩ phải mất nhiều thời gian phân tích như vậy bởi vị ĐB này lo lắng, dù công tác dự báo khí tượng thuỷ văn đã được nâng cao, nhưng thực tế thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng dự báo thì có, nhưng thực tế lại không.
“Dự thảo Luật phải quy định chặt chẽ việc dự báo khí tượng thuỷ văn, tránh tình trạng “ngoài sân mưa ầm ầm nhưng trong nhà tivi dự báo trời nắng chang chang”, ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) nhấn mạnh.
Cũng đề cập tới chuyện dự báo sai, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, dự thảo luật chưa đề cập đến yêu cầu của chất lượng bản tin dự báo, trong khi lâu nay chất lượng dự báo vẫn là nỗi bức xúc của người dân, dư luận. Không ít trường hợp dự báo sai gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây lãng phí lớn trong công tác di dời dân, ứng phó với bão, lụt.
ĐB Vẻ đã dẫn lại câu chuyện dự báo sai năm 2006 khi cơn bão Chan chu đổ bộ vào Việt Nam đã gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản.
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, cần truy trách nhiệm cán bộ dự báo khi đưa ra những bản tin dự báo sai dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế, xã hội |
“Tất nhiên, khi cán bộ, công chức sai phạm thì đã được điều chỉnh bằng các quy định về Luật công chức, viên chức. Nhưng đây là một vấn đề rất nhạy cảm và xã hội hiện đang có nhiều ý kiến bức xúc về trách nhiệm khi dự báo sai. Vì thế, dự thảo Luật phải bổ sung quy định trách nhiệm của dự báo viên khi dự báo sai, gây hậu quả nghiêm trọng”- ĐB Đỗ Văn Vẻ đề xuất.
Tỏ ý không đồng tình với giải trình của ban soạn thảo khi cho rằng công tác dự báo thì không thể chính xác 100% và sẽ phải có sai lệch, ĐB Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) nói thẳng, dự báo có thể không chính xác hoàn toàn nhưng không thể sai lệch một cách nghiêm trọng. Dẫn lại ví dụ về con bão số 5 – Linda ngày 2/11/1997 quét qua vùng ven biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau - Kiên Giang với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, làm gần 3.000 người chết và mất tích, hàng chục ngàn tàu thuyền bị đắm… ĐB Phương nhấn mạnh tới hậu quả nghiêm trọng của công tác dự báo sai.
“Hoạt động khí tượng thủy văn là hoạt động khoa học nên phải đảm bảo tính chính xác về cả về lý luận, thực tiễn. Thông tin có kịp thời dễ hiểu mà có thiếu chính xác thì đem lại lợi ích gì. Do đó, dự thảo Luật cần quy định rõ về cơ chế chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi dự báo sai, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội, cho đời sống nhân dân”- nữ ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề xuất.
Đồng tình về việc truy trách nhiệm cá nhân, tổ chức nếu dự báo sai, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) góp ý, cũng cần khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động cảnh báo, sử dụng thông tin về khí tượng thuỷ văn trên cơ sở cơ chế “mở” và thông thoáng để các cá nhân, tổ chức tham gia. Về mạng lưới khí tượng thuỷ văn, dự thảo Luật quy định quy hoạch công trình khí tượng thuỷ văn theo định kỳ 10 năm và rà soát là 5 năm, thời gian như vậy là quá ngắn.
“Tại sao quy hoạch công trình khí tượng thuỷ văn chỉ cần 10 năm, do công trình sức chịu đựng chỉ cần thế hay do tính toán thời tiết công trình này 10 năm là lạc hậu? Nếu tính quy hoạch 10 năm thì quá ngắn trong chu kỳ hoạt động” - ĐB Trương Minh Hoàng nói và nhấn mạnh, nên kéo dài quy hoạch công trình khí tượng thuỷ văn dài hơn, bởi thiên nhiên đôi khi thay đổi bất thường, có những cơn bão chu kỳ 10 năm quay lại, nhưng cũng có những cơn bão chu kỳ tới trăm năm mới quay lại…
Còn ĐB Phùng Khắc Đăng (Sơn La) thì đề xuất thêm, ban soạn thảo cần nghiên cứu về cơ chế cung cấp thông tin, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn giữa cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và hoạt động quân sự an ninh (Bộ quốc phòng, Bộ công an …) theo hướng ưu tiên và hạn chế cung cấp tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các đối tượng mà xét thấy có thể gây nguy hại cho quốc phòng và an ninh quốc gia.
Theo Infonet