|
Ông Nguyễn Văn Hiện - Ảnh: Việt Dũng |
Ông Hiện nhận định: tình trạng bức cung, nhục hình chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố.
Nhục hình là hành vi đáng lên án
Báo cáo trước Quốc hội về dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhìn nhận: dự án Luật tạm giữ, tạm giam ra đời sẽ có các điều luật nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải trên cơ sở tính chất và mức độ của hành vi phạm tội; độ tuổi, giới tính, sức khỏe và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng khẳng định tra tấn, dùng nhục hình và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người là hành vi bị lên án, bị nghiêm cấm và đã được quy định trong điều 8 của dự án luật.
Mục tiêu của luật là bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người; quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật tạm giữ, tạm giam và luật khác có liên quan.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng chia sẻ người bị tạm giam, tạm giữ phải có quyền được bảo đảm tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu khác theo quy định của luật...
Đặc biệt phải được quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Phải ngăn điều tra viên dùng nhục hình
Thay mặt Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phần báo cáo thẩm tra dự án Luật tạm giữ, tạm giam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng:
“Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam gây ra, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, do đó cần phải có biện pháp để ngăn chặn”.
Cụ thể, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án Luật tạm giữ, tạm giam về việc thiết kế hệ thống giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung; việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai; trách nhiệm của nhà tạm giữ, trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình...
Đặc biệt quy định rõ việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam.
Ông Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng cần xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam khi vấn đề này chưa được đề cập rõ trong tờ trình cũng như trong dự án Luật tạm giữ, tạm giam.
Theo ông Hiện, mô hình đó phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính minh bạch, khách quan, độc lập về mặt tổ chức, quản lý cán bộ với cơ quan điều tra.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay. Làm sao phải đảm bảo minh bạch, rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra.
“Phải có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật tạm giữ, tạm giam, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, sự tôn trọng về nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam” - ông Nguyễn Văn Hiện mong muốn.
Đề nghị bố trí xe thi hành án tử hình lưu động Lý do của đề xuất này, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhằm tránh phát sinh tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc tổ chức thi hành án tử hình như trên thực tế vừa qua. Thực tiễn thi hành án tử hình hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc khi cả nước chỉ có năm tỉnh, TP có nhà thi hành án tử hình tiêm thuốc độc. Do đó, khi có xe thi hành án tử hình lưu động thì việc “ngâm” thi hành án tử hình sẽ được giải quyết. |
Theo: Tuổi Trẻ