Với nhiều cống hiến cho cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, tưởng chừng như không thể qua khỏi, BS. Phạm Văn Phúc - công tác tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - đã được tôn vinh là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020.
Ăn, ngủ cùng COVID-19
Ngay sau khi được vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020, BS. Phạm Văn Phúc lại tiếp tục bắt tay ngay vào công việc điều trị. Chia sẻ với PV VietTimes, anh bày tỏ: “Khi biết tin mình là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020, tôi vô cùng bất ngờ vì còn nhiều anh chị đoàn viên khác xuất sắc hơn tôi rất nhiều”.
Nhớ lại 1 năm chiến đấu chống COVID-19, anh tâm sự: “Qua 1 năm ăn, ngủ cùng COVID-19, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều về mặt chuyên môn vì được làm việc với rất nhiều thầy, chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Sau 1 năm, tôi đã không còn bỡ ngỡ với COVID-19 mà đã có sự hiểu biết nhất định về dịch bệnh này nên luôn tự tin, sẵn sàng điều trị cho người bệnh”.
BS. Phúc nhớ lại những ngày "ăn, ngủ cùng COVID-19" (Ảnh - Minh Thuý) |
Khi dịch COVID-19 bùng phát với trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2, công việc và cuộc sống của BS. Phúc đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, anh bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ trùm kín từ đầu đến chân với các thiết bị đi kèm. Bộ đồ bảo hộ này đã gây ra rất nhiều bất tiện mỗi khi BS. Phúc làm thủ thuật cho bệnh nhân, do đeo găng tay, mặt nạ, kính,… trong thời tiết mùa hè nóng bức. Vì thế, khi tiếp xúc với người bệnh, anh phải thao tác thật nhanh và cẩn thận. “Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị ở bệnh viện không được dùng điều hoà, nên mỗi lần cởi bộ đồ bảo hộ ra tôi cùng các đồng nghiệp đều ướt đẫm mồ hôi” – anh kể.
Căng mình điều trị cho bệnh nhân số 19
Khi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, BS. Phúc cùng đồng nghiệp cũng phải cách ly cùng bệnh nhân, sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Sức chịu đựng của mỗi người khác nhau nhưng đều có một giới hạn nhất định. Vì thế, đã có lúc anh cảm thấy stress và căng thẳng tột độ.
“Mỗi lần stress là tôi lại bị đau đầu, không ngủ được. Lúc nào tôi cũng cảm thấy hồi hộp, thao thức, không dám ngủ. Có khi chẳng phải ca trực của tôi, tôi được nghỉ ngơi nhưng vẫn không dám nghỉ nên lại chạy ra lại chạy vào xem bệnh nhân ra sao. Thời điểm tôi bị stress nhất là khi điều trị cho bệnh nhân 19 – bác gái bệnh nhân 17” – BS. Phúc nói.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân 19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Lúc đó, khi bệnh nhân mới chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực được 3 ngày, bà bị tràn khí màng phổi, mà không rõ nguyên nhân. Sau khi triển khai ECMO, tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và tiến hành hội chẩn ngay trong đêm cho bệnh nhân, BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – đã nói với bác sĩ Phúc rằng: “Nếu 5 phút nữa mà anh em mình không làm xong là bệnh nhân ngừng tim”.
Nghe , không nghĩ ngợi gì nhiều, anh vội vàng mặc bộ đồ bảo hộ rồi chạy thẳng vào phòng trực. Thậm chí, vì vội vàng muốn cứu bệnh nhân mà anh còn bị ngã nhưng tay vẫn giữ chặt ống máu của bệnh nhân để mang tới phòng xét nghiệm. “Tôi không quan tâm rằng bản thân ngã như thế nào mà chỉ quan tâm xem ống máu có bị rơi hay không. Bởi ống máu xét nghiệm đó rất quan trọng để bác sĩ biết nguyên nhân khiến bệnh nhân ngừng tim” – anh bày tỏ.
Quá trình cấp cứu cho bệnh nhân không khác gì một cuộc đấu trí. Khi bệnh nhân ngừng tim, cấp cứu trong 1 thời gian dài bệnh nhân không có nhịp đập trở lại, có lúc tưởng chừng như thất bại, nhưng sau 45 phút nỗ lực với 3 sốc điện, tim bệnh nhân đã có nhịp đập trở lại.
Ngồi 1 góc vì “căng thẳng quá”
Trong suốt khoảng thời gian ở lại bệnh viện, cách ly cùng bệnh nhân, BS. Phúc cùng đồng nghiệp đều động viên tinh thần cho nhau. Tuy nhiên, sự căng thẳng, gặp áp lực tâm lý là điều không thể tránh khỏi.
“Có những thời điểm tôi bị stress cứ ngồi ở trong một góc. Mọi người thì cứ nói rằng “Phúc ngồi góc đó làm gì?”. Thực ra lúc đó tôi stress quá. Khi stress, trong đầu tôi luôn xuất hiện hàng ngàn câu hỏi không giải quyết được khiến tôi phải suy nghĩ để tìm ra câu trả lời” – anh Phúc xúc động nhớ lại. Mặc dù gặp nhiều áp lực, căng thẳng nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp, anh Phúc đã lấy lại tinh thần, bình tĩnh đứng lên để tiếp tục chiến đấu với đại dịch.
Mặc dù gặp nhiều áp lực, căng thẳng nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của đồng nghiệp, BS. Phúc đã lấy lại tinh thần, bình tĩnh đứng lên để tiếp tục chiến đấu với đại dịch (Ảnh - Minh Thuý) |
Ngoài stress trong công việc, BS. Phúc đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng vì cách ly và điều trị ở bệnh viện quá lâu, gửi gắm lại gia đình nhỏ cho vợ ở nhà chăm sóc. Thời gian anh ở lại bệnh viện lâu nhất là 2 tháng. Khi ấy, chỉ có một mình vợ anh ở nhà chăm con nhỏ, quán xuyến công việc. Thậm chí, có lúc con gái ốm, anh cũng phải ngậm ngùi nhìn con qua điện thoại vì không thể về nhà thăm con.
Sau hơn 1 năm, trải qua đủ mọi cảm xúc vui, buồn, chưa bao giờ anh Phúc nghĩ mình sẽ bỏ cuộc, dừng lại cuộc chiến với COVID-19. Anh nhận thấy việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân chính là trách nghiệm mà một người bác sĩ phải làm và anh luôn cố gắng hết sức để hoàn thành.
Đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã bắt đầu được kiểm soát, trở lại cuộc sống bình thường, BS. Phúc vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì “cách ly lâu quá”. Đến khi đeo balo ra khỏi cánh cổng bệnh viện, anh mới nhận thấy bàn chân mình như bước sang một thế giới khác.
BS. Phạm Văn Phúc sinh năm 1990. Anh học tại Trường đại học Y Hà Nội trong 6 năm rồi tiếp tục học bác sĩ nội trú 3 năm. Sau đó, anh về Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới làm việc từ đó đến nay.
BS. Phúc có một niềm đam mê đặc biệt đối với việc điều trị bệnh nhân nặng.
Gia đình BS. Phúc có nhiều người làm trong ngành Y. Từ khi còn bé, thấy bố hay đau ốm phải cắt 3/4 dạ dày, BS. Phúc đã định hướng tương lai sẽ làm bác sĩ, học ngành Y để chữa bệnh cho người dân.