BS. Phạm Văn Phúc:

Tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đều phải đối mặt với “cơn bão cytokine”

VietTimes -- “Cơn bão cytokine” xuất hiện ở bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang được dư luận dành sự quan tâm đặc biệt. Để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với BS. Phạm Văn Phúc – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện.
BS. Phạm Văn Phúc – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
BS. Phạm Văn Phúc – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy

PV: Thực tế, bệnh nhân 91 (phi công người Anh) mắc COVID-19 nặng đang phải đối mặt với hội chứng “cơn bão cytokine”. Vậy hội chứng này là gì thưa ông?

BS. Phạm Văn Phúc: Tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đều phải đối mặt với “cơn bão cytokine”. Khi gặp phải hội chứng này, cơ thể bệnh nhân sẽ có phản ứng miễn dịch dữ dội, hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine để chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. 

Khi gặp phải “cơn bão cytokine”, bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng, xuất hiện tình trạng sốc, tắc mạch. Để giúp bệnh nhân vượt qua vấn đề này, các bác sĩ sẽ tiến hành lọc máu và điều trị hỗ trợ bằng các loại thuốc điều trị đặc hiệu. 

PV: Phổi của bệnh nhân 91 mắc COVID-19 nặng có điểm gì đặc biệt so với các bệnh nhân khác thưa ông?

BS. Phạm Văn Phúc: Tình trạng phổi bị đông đặc của bệnh nhân 91 là một thể bệnh của COVID-19. Đến nay đã có nhiều nghiên cứu chia ra nhiều thể bệnh khác nhau của COVID-19. Bệnh nhân 91 thuộc tuýp H – tổn thương phổi đông đặc, độ giãn nở của phổi kém.

Thực ra tổn thương phổi ở bệnh nhân mắc COVID-19 có một số điểm khác biệt. Điểm khác biệt chính đó là gây ảnh hưởng tới hệ thống tim mạch của bệnh nhân. Khoa Hồi sức tích cực đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân xuất hiện tình trạng viêm phổi nặng, viêm phổi lan tỏa (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển – ARDS).

BS. Phạm Văn Phúc trao đổi với PV VietTimes. Ảnh: Minh Thúy
BS. Phạm Văn Phúc trao đổi với PV VietTimes. Ảnh: Minh Thúy 

PV: Xin ông cho biết, việc ghép phổi cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng sẽ có hiệu quả như thế nào?

BS. Phạm Văn Phúc: Các báo cáo về bệnh nhân mắc COVID-19 được ghép phổi đã có nhưng rất ít tài liệu. Do đó, đến nay chúng tôi vẫn chưa nắm rõ.

Nếu bệnh nhân mắc COVID-19 nặng không đáp ứng được với ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể), phổi không hồi phục, thì ghép phổi là phương án cuối cùng. 

PV: Tình hình sức khỏe của bệnh nhân 20 mắc COVID-19 nặng hiện ra sao, thưa ông?

BS. Phạm Văn Phúc: Trong quá trình điều trị cho 5 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện, bệnh nhân để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất là bệnh nhân 20 (bác của bệnh nhân 17).

Bệnh nhân 20 mắc COVID-19 vào viện trong tình trạng phổi tổn thương nặng. Bệnh nhân 20 là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đầu tiên điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau một thời gian điều trị, phổi của bệnh nhân xuất hiện diễn biến xấu dẫn đến tình trạng tràn khí. Ngay trong đêm, các bác sĩ đã thực hiện tim phổi nhân tạo (ECMO) để cứu sống bệnh nhân.

Không lâu sau đó, bệnh nhân lại tiếp tục bị ngừng tim khi chúng tôi chuẩn bị có phương án cai thở máy cho người bệnh. Thời điểm đó, tôi cùng các bác sĩ cấp cứu đều vô cùng lo lắng cho người bệnh. Tuy nhiên, sau khi được cấp cứu kịp thời, nhịp tim của bệnh nhân đã trở lại bình thường, có thể ngồi dậy và nói chuyện với con gái. Sự hồi phục của bệnh nhân là một kỳ tích đối với chúng tôi.

PV: Cảm ơn ông!

Trao đổi với PV VietTimes, ThS. BSCKII. Trần Duy Hưng – Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - cho biết: Hiện, Bệnh viện đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhân, trong đó có 1 số bệnh nhân tái dương tính với virus SARS-CoV-2. Đa số bệnh nhân tái dương tính đều không có biểu hiện lâm sàng. Tôi hy vọng sắp tới sẽ có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.