Phóng viên: Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp (DN) Nhật tại Việt Nam năm 2014 giảm đến 65% so với năm trước (từ mức 5,8 tỉ USD xuống còn hơn 2 tỉ USD) có đáng lo? Vì sao có sự sụt giảm mạnh này, thưa ông?
- Ông Yasuzumi Hiro: Đầu tư của DN Nhật vào Việt Nam giảm chủ yếu do đồng yen mất giá trị so với đồng USD. Nếu lúc trước chỉ cần đầu tư 100 đồng thì nay cần đến 150 đồng khiến nhà đầu tư Nhật có tâm lý chờ đợi tỉ giá cải thiện.
DN vừa và nhỏ Nhật đầu tư ra nước ngoài do nền kinh tế không tăng trưởng nhiều và cạnh tranh nội địa rất gay gắt. Nhưng cách đây 3 năm, chúng tôi trải qua một trận động đất, sóng thần khủng khiếp ở vùng Đông Bắc làm nhiều nhà cửa, nhà máy bị phá hủy… Sau đó, do có nhu cầu lớn về tái thiết, xây dựng lại các khu vực này nên DN Nhật đã dồn vốn đầu tư vào đây.
Thêm nữa, năm 2020, Tokyo sẽ đăng cai thế vận hội nên nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng cũng rất lớn, DN Nhật cần tập trung vốn và hoãn đầu tư ở nước ngoài. Song, tôi cho rằng nhu cầu đầu tư này sẽ chấm dứt sau thế vận hội.
Một vấn đề khác là nền kinh tế Việt Nam từ năm 2012 đến nay không được tốt lắm nên nhiều DN Nhật đợi kinh tế có dấu hiệu tích cực mới quyết định đầu tư mở rộng. Điều này lý giải vì sao số dự án đầu tư mới của Nhật vào Việt Nam không giảm nhiều nhưng số vốn đầu tư mở rộng lại giảm khá mạnh. Tất cả là do tâm lý chờ thời của DN Nhật.
Như vậy, so với các nước trong khu vực, môi trường đầu tư của Việt Nam có còn hấp dẫn?
- Tôi nghĩ rằng vẫn có. Tố chất người Việt ưu tú và chi phí nhân công dù tăng nhưng vẫn rẻ hơn các nước trong khu vực. Ngoài ra, việc vận dụng hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục thuế, hải quan, nạn hối lộ… nếu được cải thiện, bớt gây phiền hà thì Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn nhiều.
Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật đầu tư tại Việt Nam cho thấy 66% DN có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác. Do vậy, Việt Nam tiếp tục được coi là địa điểm đầu tư quan trọng.
Theo báo cáo kết quả khảo sát, có đến 71% DN Nhật được hỏi gặp khó khăn về tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam. Công nghiệp hỗ trợ vẫn là một “điểm nghẽn” của Việt Nam dù hàng loạt chính sách hỗ trợ đã ra đời, theo ông là vì sao?
- Khảo sát cho thấy chỉ có 14,4% DN bản địa cung cấp được nguyên phụ liệu cho DN Nhật (còn lại là DN có vốn đầu tư nước ngoài), trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 38,3%, Thái Lan 23,2% và Malaysia 23,1%.
Thống kê đó phản ánh DN vừa và nhỏ Việt Nam chưa lớn mạnh, cần được hỗ trợ. Chính phủ Việt Nam cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ DN trong ngành công nghiệp phụ trợ, ưu đãi thuế, vốn vay và giúp đào tạo nguồn nhân lực.
Tôi thấy Việt Nam có chính sách cho ngành công nghiệp phụ trợ nhưng để gửi bộ hồ sơ xin hưởng chế độ này thì mất rất nhiều thời gian, công sức. Thậm chí, DN vừa và nhỏ của Nhật không tiếp cận được. Đến nay, chỉ duy nhất Công ty Kyocera (chuyên về lắp ráp) được hưởng chính sách ưu đãi này.
Gần đây, Bộ Công Thương Việt Nam tiếp tục soạn và đưa ra dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chúng tôi rất kỳ vọng vào nghị định lần này. Tuy nhiên, tôi cảm thấy có quá nhiều chính sách đưa ra và không tập trung, ngân sách nhà nước sẽ phải tốn kém nhiều hơn để thực hiện hiệu quả.
Đội ngũ quản lý quá yếu
Theo ông Hiro, ở Nhật, DN vừa và nhỏ đóng vai trò rất quan trọng và hỗ trợ DN lớn về kỹ thuật. Khi DN Nhật sang Việt Nam đầu tư, họ muốn mua nguyên vật liệu của Việt Nam và sẵn sàng chuyển giao công nghệ nhưng DN Việt lại không đáp ứng được vốn đầu tư cho máy móc, thiết bị hoặc đội ngũ quản lý quá yếu. Nếu tình trạng này kéo dài, DN Nhật sẽ e ngại mở rộng đầu tư và hạn chế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Theo NLĐ