BOT giao thông lắm điều tiếng, xây cao tốc đắt hơn Mỹ, Trung Quốc: Bộ trưởng giải thích gì?

VietTimes -- Sáng 15/6, tại Quốc hội, trả lời câu hỏi vì sao hầu hết các dự án giao thông BOT Giai đoạn từ 2011-2015 đều chỉ định thầu, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết vấn đề này nên… chờ kết quả giám sát của Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa. Ảnh VietTimes
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa. Ảnh VietTimes

Trước đó, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nghĩa về trách nhiệm của Bộ GTVT khi thực tế hầu hết các dự án giao thông BOT đều chỉ định thầu, và do đó đều có dấu hiệu thiếu minh bạch.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định các dự án BOT giao thông là chủ trương đúng đắn triển khai theo của Nghị quyết Trung ương Đảng. “Nhờ đó chúng ta đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển giao thông” – Bộ trưởng khẳng định.

Cụ thể, trong giai đoạn các năm 2011 – 2015, tổng vốn huy động để phát triển giao thông của chỉ riêng các dự án BOT là 171.000. Bộ trưởng Nghĩa xác nhận, các dự án BOT “cơ bản đều là chỉ định thầu”.

Nhưng với việc giải thích lý do, Bộ trưởng Nghĩa khéo léo “đẩy” về phía Quốc hội. Cụ thể, Bộ trưởng Nghĩa cho rằng nội dung liên quan tới các dự án BOT đã được kỳ họp Quốc hội thứ 2 đưa vào chương trình giám sát của Thường vụ Quốc hội.

Do đó, Bộ trưởng Nghĩa “nghĩ rằng sẽ có những kết luận đầy đủ, khách quan, cũng như những đề xuất của Bộ GTVT và yêu cầu của xã hội, để làm sao các dự án BOT triển khai một cách minh bạch” - Bộ trưởng trả lời.

Bằng cách trả lời này, Bộ trưởng Nghĩa đã tránh đưa ra kết luận về hoạt động chỉ định nhà đầu tư BOT giao thông trong giai đoạn trước, do người tiền nhiệm của ông tiến hành.

Thực tế, khi lên nắm Bộ GTVT, xử lý vấn đề BOT giao thông, Bộ trưởng Nghĩa cũng tránh việc phải xử lý cơ chế chỉ định chủ đầu tư dự án BOT. Thay đổi lớn nhất mà ông đặt dấu ấn đối với vấn đề BOT giao thông là tuyên bố không chấp nhận những dự án đầu tư vào đường độc đạo, khiến người dân không còn lựa chọn khác để đi.

Còn lại, việc rà soát, giảm thời gian thu phí lên tới “hơn 100 năm”, và giảm tổng mức đầu tư nhiều dự án BOT giao thông như một số báo nêu, về bản chất là thực hiện dưới sức ép của Quốc hội và Chính phủ, sau khi dư luận xã hội phản ứng dữ dội với việc thu phí tại các dự án này.

Liên quan tới câu hỏi về suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam, Bộ trưởng Nghĩa cho biết đây là câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo. Hiện Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đang tiến hành đánh giá.

Bộ trưởng nêu ví dụ đầu tư cao tốc quy mô 6 làn xe, trong điều kiện bình thường ở Việt Nam hiện nay là khoảng 200 tỷ đồng/km (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nghĩa, suất đầu tư cao tốc phụ thuộc vào điều kiện riêng của từng khu vực, kéo theo mức giá cũng khác nhau. “Tổng hợp báo cáo của Bộ Xây dựng, chúng ta có đoạn từ 7,4 triệu USD/km ở trung du, đến 17,2 triệu USD/km ở Tây Nam bộ và Nam bộ” - Bộ trưởng Nghĩa nêu. Còn suất đầu tư cao tốc ở các nước cũng dao động khác nhau tùy theo điều kiện khu vực. Cụ thể ở Đức đầu tư cao tốc 6 làn xe bình quân là 10,9 triệu USD/km, ở Bồ Đào Nha là khoảng 12,2 triệu USD/km, ở Mỹ 12,8 - 40,8 triệu USD/km, Trung Quốc 10,5-13,6 triệu USD/km.