Phần 1: Tổng quan về mặt trái của tiền điện tử
Phần 2: "Bong bóng đầu cơ" tiền điện tử
Phần 3: Lừa đảo, Rửa tiền, Hành vi phạm pháp và Tiền ảo
Phần 4: Tiền ảo – Rủi ro đa cấp và đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao
Bong bóng đầu cơ & Hai mặt của đồng xu
Bong bóng đầu cơ không còn là một hiện tượng "lạ" khi nhắc đến trong kinh tế học nữa khi mà nó đã từng xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử và gây ra những hậu quả khủng khiếp. Bong bóng kinh tế xuất hiện khi có hiện tượng đầu cơ đối với các tài sản cơ sở, làm cho giá bị đẩy lên cao đến một mức giá vô lý mà không hề phản ánh mức độ thỏa dụng hay sức mua của người tiêu dùng , do vậy càng khuyến khích hoạt động đầu cơ hơn nữa. Theo sau bong bóng kinh tế bao giờ cũng là một cú giảm giá đột ngột, được gọi là sự sụp đổ của thị trường hay "bong bóng vỡ”. Điểm lại lịch sử kinh tế thế giới có thể kể ra rất nhiều bong bóng kinh điển như: bong bóng hoa tulip (1637), cuộc đại suy thoái (1929-1933), bong bóng dotcom (1995 - 2000), bong bóng bất động sản (2007). (Nguồn: Saga.vn)
Tại sao nhiều nhà đầu tư truyền thống nghĩ rằng Tiền điện tử sẽ là “Bong bóng kinh tế” kế tiếp?
Bitcoin được ra đời vào năm 2009, là một loại tiền tệ điện tử và không thể cầm nắm để nhét vào chiếc ví của bạn được – lại trở thành loại “tiền tệ” có giá trị nhất trên thế giới trong vài năm nay? Vì vậy, không lấy làm lạ khi mọi người đặt câu hỏi về sự đáng tin cậy của đồng tiền này. Bởi liệu có ai trên thế giới này có thể thực sự tin rằng một loại tiền tệ điện tử, được tạo ra chỉ cách đây khoảng 7 năm lại có giá trị hơn một loại tiền pháp định, ví dụ như Bảng Anh - đồng tiền đã trải qua nhiều chu kỳ kinh tế trong nhiều thế kỷ và vẫn tồn tại cho đến lúc này?
Một đồng bảng Anh chỉ có thể mua được 0.00032 BTC, điều này 100% không thành vấn đề với các các nhà đầu tư truyền thống, phần lớn các khoản đầu tư được định giá bằng đồng bảng Anh, đô la Mỹ và các đồng tiền pháp định khác. Nhưng họ cho rằng Bitcoin là một bong bóng, sau đây là một số lý giải tại sao họ lại nghĩ như vậy.
1. Sự tăng giá phi mã và lịch sử phát triển non trẻ
Dù cho giá bitcoin vẫn đang tăng phi mã lên tới con số kỷ lục 6.000 USD, nhưng không gì là không thể xảy ra khi tiền điện tử nói riêng và công nghệ blockchain đứng đằng sau nó vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển “khá non trẻ” và bên cạnh những tiềm năng hiển hiện trước mắt, nhà đầu tư vẫn cần phải dè chừng trước những rủi ro tiềm tàng của miếng bánh béo bở này.
Richard Turnill, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu của quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock cho rằng việc thả lỏng chính sách tiền tệ có thể “tiếp tay” cho hoạt động đầu cơ cho các đồng tiền điện tử như bitcoin, nhưng rủi ro đối với hệ thống tài chính vẫn còn khá hạn chế. Ông Turnill phát biểu rằng có thể dễ dàng nhận thấy biến động giá cả của tiền điện tử ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ vô cùng dễ dãi được đưa ra bởi ngân hàng TW sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009. Tuy nhiên, sự tăng giá chóng mặt của tiền điện tử có thể là dấu hiệu của sự quá mức và đã dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư gọi thị trường này là “bong bóng kinh tế”. “Tôi nhìn vào biểu đồ giá và cảm thấy khá là sợ hãi”, Turnill cho hay trong một buổi họp báo tại New York.
Turnill và đồng nghiệp của ông ta đã và đang tư vấn cho các khách hàng đầu tư vào thị trường chứng khoán toàn cầu, thậm chí một số nhà chiến lược khác còn cảnh báo rằng giá tiền ảo đang cao quá mức sau một cuộc chạy đà so với phần lớn thập kỷ trước - kể từ đầu năm cho tới nay, đồng tiền ảo Bitcoin đã có mức tăng trưởng kỷ lục gần 500%. Quả là một điều điên rồ phải không?
2. Khủng hoảng tài chính
Trong vòng 2 thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến 2 sự kiện bong bóng kinh tế. Bong bóng dotcom cuối những năm 1990 và bong bóng nhà đất dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đối với những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi 2 sự kiện vỡ bong bóng ấy trong vòng chưa đầy một thập kỷ, phản ứng tự nhiên cho những trải nghiệm “đau thương” chính là sự phòng vệ.
Bên cạnh đó, bong bóng nhà đất bao gồm bất động sản – một thứ khá cần thiết cho sự tồn tại của con người. Về cơ bản, bong bóng dotcom và bong bóng nhà đất liên quan đến tài sản mà người bình thường có thể hiểu mà không cần trải qua quá nhiều sự giáo dục. Những thuộc tính này không tồn tại với Bitcoin. Không có khả năng nó sẽ thay thế các đồng tiền pháp định, ít nhất nếu bạn hỏi Olaf Carlson-Wee, nhân viên đầu tiên của Coinbase và người sáng lập quỹ phòng hộ tiền điện tử Polychain Capital. “Đó là một sai lầm lớn khi so sánh bất cứ điều gì trong số này với tiền tệ”, ông ấy cho hay. Với nhận xét thiển cận, nhưng bi quan từ một người trong ngành, các nhà đầu tư truyền thống ít có khả năng nhìn thấy giá trị từ Bitcoin. Và khi bạn không thể nhìn thấy giá trị trong một tài sản đang gia tăng về giá cả, bạn sẽ tự động coi nó là một bong bóng.
3. Bảo mật, an ninh mạng
Có những người thực sự nghĩ rằng tiền tệ kỹ thuật số sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng họ lo lắng về tính bảo mật, an ninh của Bitcoin. “Sói già phố Wall” Jordan Belfort là một trong số đó. Belfort tin rằng Bitcoin là một trò lừa đảo và khẳng định rằng ông biết nhiều người “đã mất tất cả tiền của họ” cho hacker.
Belfort cũng tin rằng một đồng tiền kỹ thuật số được nhiều người nắm giữ sẽ là đồng tiền được tạo ra bởi ngân hàng Trung ương.
4. Tính bất ổn của cung và cầu
Hai trong số các lợi ích giá trị được công bố rộng rãi nhất của Bitcoin so với tiền pháp định là nguồn cung giới hạn và tính phân tán của nó. Nhưng điều đó đã tạo ra một vấn đề khác, góp phần vào sự bất ổn của tiền điện tử. Trên thế giới chỉ có 21 triệu Bitcoin. Và vì không thể có ảnh hưởng trực tiếp của chính phủ để kích thích tăng hoặc giảm giá, biến động của Bitcoin chỉ phụ thuộc vào cung và cầu.
Vì các nhà đầu tư truyền thống thường sử dụng chiến lược dump & pump (bơm tiền vào để mua sau đó bán ra để kiếm lời chứ không muốn giữ lâu), nên dễ dàng so sánh Bitcoin, trong đó, một nhóm các tay “lướt sóng” (trader) giày có có có thể đẩy giá của Bitcoin bằng cách mua rất nhiều – do đó kích thích nhu cầu – và sau đó bán các loại tiền tệ kỹ thuật số ở một mức giá cao, làm giảm cầu, và do đó, giá giảm. Và không có cơ quan trung ương nào kiểm tra các hoạt động như vậy.
5. Chưa có các quy định, luật rõ ràng
Vào đầu tháng 9 vùa rồi, Jamie Dimon, CEO JPMorgan đã gọi Bitcoin là một trò lừa đảo tại một cuộc họp các nhà đầu tư ở New York. Ông nói rằng sẽ sa thải bất cứ nhân viên nào của công ty giao dịch Bitcoin bởi “điều đó chống lại JP Morgan và những nhân viên đó thật ngu ngốc.” .Ông cũng chỉ ra rằng các chính phủ có thể “đàn áp” Bitcoin nếu có điều gì đó sai trái và trích dẫn lại cuộc “đàn áp” Bitcoin gần đây bởi chính phủ Trung Quốc như là một ví dụ về cách các chính phủ sẽ luôn quan tâm đến việc đảm nhận cung tiền. Nếu điều đó xảy ra, và các nhà đầu tư truyền thống sợ rằng nó sẽ xảy ra, giá trị của Bitcoin sẽ giảm mạnh như những gì đã diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn mới đây khi chính phủ Trung Quốc cấm hoạt động ICO các đồng tiền điện tử.
6. Sự dễ dàng tạo ra một đồng tiền số mới
Tính đến thời điểm thực hiện bài viết, có tới 1.142 đồng tiền điện tử, và danh sách vẫn được tiếp tục bổ sung. Có vẻ như không tồn tại một rào cản nào để gia nhập thế giới tiền điện tử. Thị phần của Bitcoin trên thị trường tiền tệ kỹ thuật số còn tiếp tục giảm. Bitcoin hiện chiếm khoảng 48,9% thị trường tiền tệ số, giảm từ gần 90% vào năm 2013.
Theo logic của việc đầu tư chứng khoán, thị phần của một công ty trong ngành của nó càng cao thì càng có tiềm năng sở hữu nhiều giá trị. Ngược lại, thị phần giảm mà giá không giảm thì được coi là một “bong bóng”. Thị trường tiền tệ số ngày càng mở rộng, thị phần của Bitcoin sẽ thấp hơn. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư truyền thống khó có thể hiểu được giá trị của Bitcoin.