Bộ Y tế xác nhận có thực tế các bệnh viện xin… xuống hạng

VietTimes – Hiện, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thành lập đoàn công tác đến một số địa phương để xem xét và đề ra cách thức xử lý thực tế này. Nguyên nhân xin “xuống hạng” của các bệnh viện là nhằm tiếp cận tốt hơn tới đối tượng có Bảo hiểm Y tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Vụ Bảo hiểm Y tế thuộc Bộ Y tế, việc xin xuống hạng chỉ xảy ra ở bệnh viện tư nhân vì hiện nay, chưa có quy định phân tuyến cho bệnh viện tư nhân, mà chỉ áp dụng cho cơ sở y tế công lập.

Hiện, việc xếp hạng bệnh viện tư nhân là do Sở Y tế các tỉnh, thành phố quyết định, căn cứ vào quy mô hoạt động, phạm vi chuyên môn, cơ sở vật chất, năng lực và điều kiện thực hiện các dịch vụ kỹ thuật của cơ sở đó. Để so sánh, có thể thấy các bệnh viện tư nhân được xác định tương đương tuyến xã, huyện, tỉnh hay tuyến Trung ương chỉ dựa vào hạng của các bệnh viện đó.

Theo BHXH Việt Nam, nhiều bệnh viện tư nhân được xếp hạng 2 (tương đương bệnh viện tuyến tỉnh) nhưng nay xin được xuống hạng 3 (tương đương bệnh viện tuyến huyện).

Lý do, vì theo quy định thông tuyến bảo hiểm y tế có hiệu lực được khoảng 8 tháng, khi xuống hạng 3, những bệnh viện này được khám chữa bệnh ban đầu cho những bệnh nhân ở huyện khác trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố, tức là nguồn thu từ bệnh nhân và người thăm khám bằng bảo hiểm y tế sẽ tăng lên. Tại Nghệ An, sau 8 tháng có quy định thông tuyến bảo hiểm, Sở Y tế tỉnh đã “cho” 10 bệnh viện tư nhân từ hạng 2 xuống hạng 3.

Thực tế này khiến Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khá bối rối, vì hiện việc cho bệnh viện tư nhân “xuống hạng” là thẩm quyền của Sở Y tế cấp tỉnh. Do vậy, Bộ Y tế cũng không dễ thu quyền này về, nhất là khi quy định mới có hiệu lực được 8 tháng.

Trong khi đó thì theo BHXH Việt Nam, chỉ riêng quý 1/2016, Quỹ bảo hiểm Y tế đã chi vượt thu khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng tới gần 45% so với cùng kỳ năm trước, dù số thẻ bảo hiểm y tế chỉ tăng hơn 10%.

BHXH Việt Nam dự báo, nếu tình trạng này kéo dài, dự kiến cả năm, mức chi vượt thu của Quỹ Bảo hiểm Y tế sẽ lên tới 6.000 tỷ đồng, đây là lần đầu tiên tính từ năm 2010 xảy ra tình trạng này.

Tuy nhiên, Bộ Y tế lại có cách giải thích khác, theo đó mức chi của Quỹ bảo hiểm Y tế tăng là do viện phí tăng và ngày càng nhiều kỹ thuật cao được thực hiện, góp phần giúp người bệnh được hưởng lợi.