|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đại diện Bộ Y tế cho biết, máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người. Mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng hiện vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn trước mắt.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước đang phát triển, nhu cầu máu dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy mỗi năm với dân số 90 triệu dân (Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 01/4/2014), Việt Nam cần khoảng 1, 8 triệu đơn vị máu.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2016, cả nước tiếp nhận khoảng 1,2 triệu đơn vị máu (đáp ứng 66% nhu cầu về máu và tỷ lệ hiến máu đạt 1,4% số dân hiến máu). Vì vậy, để bảo đảm đủ máu cho công tác điều trị cũng như bảo đảm an toàn truyền máu thì cần có chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này.
Trên thế giới, để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, Chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành Luật Hiến máu (Blood Donation Law) hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền như: Luật truyền máu, Luật cấm buôn bán máu…. Sau khi Luật hiến máu được Quốc hội các nước ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết.
Như vậy, việc Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật về máu và tế bào gốc trình Quốc hội xem xét và phê duyệt nhằm khắc phục được tình trạng thiếu máu để phục vụ cho hoạt động điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là điều bình thường.
Về việc quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần như các báo đã đưa, đại diện Bộ Y tế cho biết, đề xuất này chỉ là một trong những giải pháp được đưa ra thảo luận trong báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc
Bên cạnh đó, khi Bộ Y tế tiến hành đánh giá, nghiên cứu xã hội học trên 1.600 người dân tại 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng trên cả nước, chỉ có 30,25% đồng ý; 837 người không đồng ý với giải pháp này, chiếm 69,75%.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân.
Vì vậy Bộ đang nghiêng về phương án sau, quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.