Tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bất cứ hiệu thuốc, siêu thị tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành Y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc”.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông không nhận bưu kiện, chuyển bưu kiện chứa khẩu trang, nước sát trùng, thuốc sát trùng, … ra nước ngoài.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương phải chỉ đạo, xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình trục lợi từ dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV, giữ nguyên giá bán khẩu trang và các trang thiết bị y tế khác, đồng thời, đảm bảo sức khỏe cho người dân, không để dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV lây lan trong cộng đồng.
Theo Bộ Công thương, hiện, cả nước có 38 đơn vị sản xuất khẩu trang 3 lớp với năng lực sản xuất 1.245.000 chiếc/ngày; 2 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng xuất 32.000 chiếc/ngày. Năng xuất sản xuất của các đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.
Như VietTimes đã đưa tin, trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã đổ xô đi mua khẩu trang tại các cửa hàng, hiệu thuốc. Tại chợ thuốc lớn nhất Hà Nội Hapulico (Vũ Trọng Phụng – quận Thanh Xuân), hàng trăm người dân khắp nơi kéo đến mua khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn để phòng dịch bệnh virus Corona. Các quầy hàng lúc nào cũng rất đông đúc, tấp nập. Giá bán khẩu trang y tế lên tới 400-500 ngàn đồng/hộp.
Các hiệu thuốc trên mặt đường lớn như Bà Triệu, Hàng Bài, Giải Phóng,,… hay các khu vực tập trung sinh viên phố Chùa Láng, đường Cầu Giấy – Xuân Thủy, khu vực Phùng Khoang hầu như không còn khẩu trang y tế để bán. Nhiều người dân phải đi vòng vòng vào các con đường nhỏ, tìm đến các hiệu thuốc nhỏ để mua những hộp khẩu trang giá cao hơn 5-6 lần ngày thường.