Bộ Y tế lên tiếng vụ hàng chục trẻ ở Bắc Ninh mắc sán lợn

VietTimes -- Trước thông tin có hàng chục trẻ tại Bắc Ninh mắc sán lợn, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang về căn bệnh này. Tối 16/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông tin chính thức về bệnh sán lợn, trong đó khẳng định bệnh sán lợn tuy có biến chứng nặng nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc.
Mẫu sán dây của Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP Hồ Chí Minh
Mẫu sán dây của Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP Hồ Chí Minh

Theo đó, bệnh sán lợn (hay còn gọi là bệnh sán dây, sán dài) đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Có 2 thể bệnh sán lợn. Thể thứ nhất là bệnh ấu trùng sán lợn. Khi mắc thể này, người nhiễm có nguy cơ bị ấu trùng sán ký sinh tại một số cơ quan trong cơ thể như các cơ, mắt hoặc não rồi hóa nang. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ và chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể gặp các biến chứng, gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể.


Thể thứ hai là bệnh sán trưởng thành ở ruột. Sán sẽ ký sinh trong ruột non của người nhiễm. Song, bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt, hoặc biểu hiện bằng các dấu hiệu như: người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt; có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài; đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng khẳng định, dù mắc thể sán nào, bệnh nhân cũng sẽ được điều trị khỏi bằng thuốc Praziquantel và thuốc Albendazole. Bệnh nhân chỉ cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc theo đơn, đúng, đủ liều, thì có thể hoàn toàn yên tâm khỏi bệnh.

Hiện nay, Ngành Y tế đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, nỗ lực ngăn chặn bệnh lây nhiễm trong cộng đồng bằng các biện pháp khác nhau như tăng cường truyền thông về bệnh cho người dân, ra quân kiểm soát an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, rau sống không đảm bảo vệ sinh. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định.