Bộ Y tế là cơ quan đầu tiên hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và về đích trước 5 năm

VietTimes – Sáng nay, 30/6, Bộ Y tế công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức 4 thuộc thẩm quyền của Bộ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế cùng nhiều bộ, ban, ngành đã dự sự kiện quan trọng này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế bấm nút hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Bộ Y tế là cơ quan đầu tiên cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho 100% thủ tục hành chính.

Ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: Nhằm cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Y tế đã là một trong số những bộ tiên phong trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, với việc cung cấp đầy đủ các giao dịch trực tuyến từ nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí, bổ sung hồ sơ, nhận kết quả đều không cấp bản giấy. Bộ Y tế là một trong số các bộ, ngành đầu tiên triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với việc số hóa toàn bộ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ 

Năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng và đưa vào vận hành 90 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm và dinh dưỡng; Dược phẩm; Mỹ phẩm; Trang thiết bị và công trình y tế; Đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin; Khám, bệnh, chữa bệnh; Y tế dự phòng. Ngày 13/11/2019, Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế đã được khai trương tại địa chỉ https://dichvucong.moh.gov.vn và tích hợp thành công lên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống dịch vụ công của địa phương.

Đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Từ ngày 1/1/2020 đến nay, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là: 33.429 hồ sơ. Như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Y tế đã tăng tốc phòng chống dịch COVID-19 lẫn thực hiện chuyển đổi số, đã thực hiện được số thủ tục trên môi trường mạng gấp hơn 2,5 lần so với 5 năm trước đó, về đích trước 5 năm so với lộ trình đặt ra.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Việt Nam là 1 trong rất ít quốc gia thành công trong ngăn chặn dịch COVID-19 và một trong những yếu tố đóng góp vào sự thành công chính là áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phòng chống dịch. "Có thể tự hào nói rằng, rất ít quốc gia và có lẽ chỉ duy nhất Việt Nam có thể làm được như vậy. Chỉ trong thời gian rất ngắn, chúng ta đã gửi tới 17 tỷ tin nhắn cho người dân về phòng chống, dịch bệnh.  Chúng ta tự hào rằng rất ít nước làm được như vậy và có lẽ chỉ có Việt Nam mới làm được” -  Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.

Ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho rằng dịch vụ công Bộ Y tế rất phức tạp nhưng đã được hoàn thành trước thời hạn. Một trong những nguyên nhân thành công là sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Từ khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách Bộ Y tế thì tất cả mọi việc chỉ đạo ở đều được số hóa, không còn dùng giấy tờ nữa. Tới đây, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc triển khai dịch vụ trực tuyến trong thời gian tới, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, trong quản lý khám, chữa bệnh, y tế dự phòng.

Các đại biểu dự lễ

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả mà Bộ Y tế đã đạt được trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, mà một trong những nguyên nhân của thành công này là từ thay đổi cách làm việc, các cơ quan, đơn vị đã chung tay thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công trực tuyến.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt ra các nhiệm vụ cho Bộ Y tế trong thời gian tới: Chậm nhất đến ngày 31/12/2020, phải bỏ toàn bộ y bạ bằng giấy và chuyển sang số hóa, để vừa có thể tạo sự tiện lợi cho người dân, vừa tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng hàng năm cho chi phí in ấn y bạ giấy. Toàn bộ hệ thống thông tin, nguồn lực của Bộ Y tế phải cơ bản được quản lý và công khai.

Bộ Y tế công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức 4

Lấy ví dụ về vụ tiêu cực máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vừa qua tại CDC Hà Nội, Phó Thủ tưởng khẳng định: “Làm công nghệ thông mục đích chính là để công khai, minh bạch cho người dân. Công khai, minh bạch để phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.

Chỉ đạo Bộ Y tế cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ được đề ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Quan trọng là sự quyết tâm và cách làm phải đổi mới, cầu thị. Giống như chống dịch COVID-19 vừa rồi, không tốn kém nhưng rất hiệu quả. Bằng cách kết hợp thông tin với cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ sẵn có của ngành y tế, chúng ta sẽ có một nền tảng y tế rất hiệu quả.

(Ảnh: Thanh Hằng)