Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp bàn về dự thảo Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (1/6).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Khám, chữa bệnh từ xa không làm thay đổi hệ thống mà mang tính hội chẩn liên viện, hội chẩn toàn tuyến, không thay thế khám, chữa bệnh truyền thống. Khám, chữa bệnh từ xa thực hiện trên tinh thần tự chủ, chủ động ở mỗi bệnh viện.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đưa ra 2 vấn đề chính cần phải giải quyết đó là làm thế nào để bệnh viện tuyến triển khai dưới khám, chữa bệnh từ xa thường xuyên và mỗi người dân đều được khám, chữa bệnh từ xa khi cần thiết.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Khám, chữa bệnh từ xa được thực hiện trên tinh thần tự chủ, chủ động ở mỗi bệnh viện. Ảnh: Minh Thúy
|
Về mặt ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa, Thứ trưởng cho rằng cần có nền tảng công nghệ hiệu quả, kết nối đa tuyến, nâng cao năng lực khám, chữa bệnh. Điển hình là qua công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc hội chẩn liên viện, hội chẩn trực tuyến đã góp phần đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc COVID-19, nhất là bệnh nhân mắc bệnh nặng, trong tình trạng nguy kịch như bệnh nhân 91 – phi công người Anh.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị quy định rõ trách nhiệm của bệnh viện từ trung ương tới địa phương khi triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa. Từ đó, tiến tới xây dựng hệ thống khám bệnh online, khám bệnh qua thẻ BHYT, tin nhắn điện thoại.
Khó khăn phát sinh từ thực tế
PGS. TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết, việc khám, chữa bệnh từ xa đã được triển khai thường kỳ với các bệnh viện ở Mù Cang Chải, Xí mần, Hoàng Su Phì.
“Khó khăn lớn nhất được đặt ra trong quá trình triển khai là cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Cùng với đó, việc chi trả cho các bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa đang gặp khó khăn, cần có chế độ chính sách phù hợp. Đáng chú ý, việc chi trả BHYT cho bệnh nhân cần rõ ràng để tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, đồng thời bảo vệ quỹ BHYT, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.” – ông Hiếu nói.
PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại buổi khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa
|
Cùng quan điểm với PGS. TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, TS. BS. Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương – cho rằng triển khai khám, chữa bệnh từ xa còn gặp khó do các yếu tố tác động từ bên ngoài (mất sóng, trang thiết bị kém); phải đảm bảo vấn đề về pháp lý cho bác sĩ – bác sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào khi khám bệnh từ xa cho bệnh nhân khi không được thăm khám trực tiếp?; chi trả cho các bác sĩ như thế nào để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh hàng ngày ở bệnh viện.
PGS. TS. BS. Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 – nhấn mạnh: Đề án khám, chữa bệnh từ xa hoàn toàn có thể thực hiện được. Việc khám, chữa bệnh từ xa không chỉ giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời mà còn giảm tối đa thời gian chờ đợi. Người dân và bệnh viện có thể cùng tham gia chi trả phí khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc khám, chữa bệnh từ xa không thể thay thế được khám, chữa bệnh truyền thống.
Toàn cảnh cuộc họp bàn về dự thảo Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 do Bộ Y tế tổ chức . Ảnh: Minh Thúy
|
Thông tin về quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện, PGS. TS. Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – cho hay, Bệnh viện đã sử dụng phần mềm zoom, hội chẩn được 10 trường hợp với các bệnh viện vệ tinh. Điển hình là trường hợp bé gái người Lào bị nang phổi bẩm sinh đã được các bác sĩ tại Bệnh viện hội chẩn từ xa để chủ động điều trị.
Theo ông Điển, để triển khai có hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa cần đào tạo nguồn nhân lực có chứng chỉ, quy trình thực hiện phải có hành lang pháp lý cụ thể. Ngoài ra, Vụ BHYT cần xác định kinh phí duy trì triển khai khám, chữa bệnh từ xa, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Thanh toán chi phí thế nào?
Ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cho biết: Luật pháp cho phép tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, có quy định rõ trách nhiệm của người tư vấn và người được tư vấn. Các bác sĩ phải chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn, đúng hoạt động chuyên môn. Hiện, việc triển khai Đề án mới dừng ở mức tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện với bệnh viện cần áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao. Về lâu dài cần có cơ chế tài chính để đảm bảo tính bền vững cho đề án khám, chữa bệnh từ xa.
Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho rằng – đến thời điểm hiện tại đã có quy định để chi trả cho khám, chữa bệnh từ xa nhưng đang thiếu quy định xây dựng giá cho từng loại hình. Nếu không đưa BHYT vào Đề án thì không thể thanh toán được chi phí. Khi có cơ chế bảo hiểm, vấn đề chi phí sẽ được giải quyết.
Thẻ Bảo hiểm y tế. Ảnh: Minh Thảo
|
Thông tin về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa, ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế - khẳng định: “Nếu quy định được giá cụ thể của từng loại hình khám, chữa bệnh từ xa thì BHYT sẽ thanh toán được. Sau khi tính toán giá phải xác định đối tượng chi trả tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.”
Để Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 nhanh chóng được triển khai trong thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Vụ Bảo hiểm Y tế khẩn trương xây dựng cấu thành giá dịch vụ y tế, kết cấu trong BHYT để rõ ràng trong việc thanh toán, chi trả chi phí khám, chữa bệnh từ xa cho người dân.
Giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh PGS. TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trên, góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh. Với đề án khám, chữa bệnh từ xa, mạng lưới bệnh viện tuyến trên (bệnh viện hạt nhân) gồm bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có đủ năng lực về đội ngũ thầy thuốc chuyên gia, đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của người dân. Người dân sẽ được tiếp cận với các dịch vụ y tế ở vùng sâu, xa, khó khăn, đồng thời, giảm tối đa chi phí khám, chữa bệnh, chi phí BHYT, không phải bỏ tiền túi để chi trả. Các hoạt động chính của đề án gồm: Tư vấn từ xa, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa và sử dụng Apps trong các dịch vụ y tế; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Dự kiến có 15 bệnh viện thuộc mạng lưới bệnh viện hạt nhân theo chuyên khoa và đa khoa do Bộ Y tế chỉ định gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện E, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh; Viện Huyết học truyền máu Trung ương; Bệnh viện Xanh pôn. Kinh phí thực hiện Đề án chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, nguồn ODA và các nguồn vốn hợp pháp. Giai đoạn 2020-2025, Đề án ưu tiên đầu tư cho 400 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân là bệnh viện vệ tinh của 15 bệnh viện hạt nhân (13 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 2 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội). |