Chưa áp dụng cho người không có BHYT
Theo ông Liên, việc tăng giá dịch vụ y tế lần này là để cụ thể hóa lộ trình giá dịch vụ công tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho liên Bộ tài Chính và Y tế khẩn trương hoàn chỉnh thông tư vào cuối năm 2015 này, với lộ trình thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.
Ông Liên cho biết, lâu này ngành y tế chỉ mới tính 3/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế (chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; điện nước xứ lý chất thải; duy tu bảo dưỡng sản); còn lại 4 yếu tố ( tiến lương, phụ cấp; sửa chữa tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tào, nghiên cứu khoa học) chưa được tính.
Trong thời gian qua, các Thông tư 03, 04 chỉ là mới điều chỉnh tính đúng, tính đủ ở 3 yếu tố đầu. Sau 3 năm triển khai thông tư 04 về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các địa phương cũng chỉ mới tính được khoảng 60 đến 70% của 3 yếu tố đầu, chưa tính 4 yếu tố còn lại để cấu thành giá dịch vụ y tế.
Dù tăng giá dịch vụ y tế, nhưng người có BHYT vẫn không bị ảnh hưởng |
"Lần tăng này sẽ tính đến yếu tố thứ 4 trong 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, đó là tiền lương và phụ cấp. Tuy nhiên, cuối tháng 11 tới chỉ tăng phần chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù nhưng chỉ áp dụng đối với người có bảo hiểm y tế( BHYT). Đến tháng 3.2016 sẽ thực hiện mức tăng giá theo đúng lộ trình của Nghị định 16.
Trong năm 2016, chúng tôi sẽ xem xét tình hình kinh tế đất nước như thế nào mới quyết định có áp dụng tăng đối với cả trường hợp không có bảo hiểm y tế hay không”, ông Liên cho hay.
Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.02.2015 của Chính phủ sẽ được thực hiện như sau:
Năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Cũng theo ông Liên, cơ cấu giá dịch vụ theo lộ trình quy định tại Nghị định 16 đã được thống nhất gồm chi phí trực tiếp và tiền lương ( bao gồm cả phụ cấp đặc thù như: phụ cấp trực 24/24, phụ cấp thủ thuật, phẫu thuật…). Riêng một số khoản phụ cấp đặc thù cho một số bệnh viện, vùng không tính.
Giá khám bệnh lần này dự kiến sẽ tính theo hạng bệnh viện; còn giá giường bệnh sẽ được tính theo hạng bệnh viện và theo chuyên khoa. Riêng giá các dịch vụ kỹ thuật sẽ được áp dụng cho tất cả các hạng bệnh viện.
“Trong khoảng 1800 dịch vụ y tế sẽ tăng vào cuối năm nay, mỗi dịch vụ có mức tăng khác nhau, nên chúng tôi chưa có một con số chung tổng thể tăng bao nhiêu phần trăm so với trước, nhưng nhìn tổng thể mức tăng không đáng kể so với trước”, ông Liên nói.
Chất lượng khám chữa bệnh sẽ tốt hơn
Theo phân tích của ông Liên, dù tăng giá dịch vụ y tế nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến người bệnh.Trước đây, khi chưa tăng, những bệnh nhân có BHYT, ngoài phải đóng khoản phần trăm mà BHYT chi trả chưa đủ, còn phải đóng thêm khoản chênh lệch so với giá của bệnh viện. Ngay cả những bệnh nhân được BHYT chi trả 100% cũng phải đóng thêm phần chênh lệch giá của BHYT so với giá của bệnh viện.
Lần nay, khi tiến hành tính đúng, tính đủ, các khoản chí phí, người bệnh có BHYT không phải đóng phần chênh lệch giá. Nếu trường hợp được hưởng BHYT chi trả 100% thì sẽ không phải đóng đồng nào; còn nếu chỉ được hưởng 95% hay 80% thì đóng thêm phần trăm còn thiếu, chứ không đóng tiền chệnh lệch.
“Như vậy, nếu so với trước đây, giá dịch vụ y tế thấp, nhưng thực chất người khám chữa bệnh phải đóng thêm khoản chi phí chênh lệch, giờ tăng giá dịch vụ, không phải đóng thêm nên bệnh nhân không bị ảnh hưởng đáng kể. Nếu có ảnh hưởng chỉ ảnh hưởng đến những người không có BHYT”, ông Liên chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Liên, người bệnh có BHYT, nhất là được BHYT chi trả 100% được hưởng lợi lớn từ chất lượng khám chữa bệnh. Hiện nay Nhà nước phải chi trả tiền lương cho cán bộ y tế , các bệnh viện không có điều kiện tuyển thêm bác sĩ, điều dưỡng để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.
Người bệnh được hưởng chất lượng khám, chữa bệnh tốt hơn |
Theo Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay ở nước ta, 1 bác sĩ chỉ mới có 1,5 điều dưỡng nên việc chăm sóc bệnh nhân chưa được tốt. Ở các nước phát triển, 1 bác sĩ có đến 20 đến 30 điều dưỡng, ngay cả một số nước ở Châu Phi chưa phải là quốc gia phát triển , mỗi bác sĩ còn có đến 5 điều dưỡng.
Đây chính là lý do nhiều quốc gia phát triển, các bệnh nhân điều trị trong các bệnh viện được chính điều dưỡng chăm sóc, không cần đến người nhà như ở Việt Nam.
Theo ông Liên, trong thời gian tới, tiền lương được tính vào giá dịch vụ y tế, các bệnh viện sẽ có điều kiện tăng bác sĩ, tăng điều dưỡng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh. “ Lúc này, bệnh nhân là người chi trả lương cho cán bộ y tế, bệnh viện có điều kiện để tuyển thêm bác sĩ, điều dưỡng phục vụ cho bệnh nhân được tốt hơn. Thay vì như hiện nay chỉ mới có 1 bác sĩ/ 1,5 điều dưỡng, chúng tôi sẽ phấn đấu 1 bác sĩ có 5 điều dưỡng”, ông Liên cho biết.
Để ngăn ngừa và tránh tác động tiêu cực từ việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế ông Liên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có giải pháp quyết liệt để tăng người dân tham gia BHYT. Các tỉnh, thành phải sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác và Bộ Y tế cũng sẽ huy động một số dự án ODA để hỗ trợ 30% con lại cho những hộ cận nghèo mua BHYT. Các tỉnh cũng sẽ khẩn trương hỗ trợ người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT
“Thực tế hiện nay, mỗi năm Nhà nước phải cấp ngân sách cho các bệnh viện khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Thay vì cấp cho các bệnh viện, Nhà nước sẽ dùng khoản tiền trên để hỗ trợ người dân mua BHYT để được hưởng lợi từ chất lượng khám, chữa bệnh”, ông Liên nói.
Tuy nhiên, việc cố gắng dồn mọi áp lực chi trả lên BHYT, nhiều người lo ngại quỹ này sẽ bị vỡ, ông Liên cho hay, hiện quỹ BHYT vẫn cân đối được đến hết năm 2017. Từ năm 2018 sẽ điều chỉnh mức đóng BHYT cho phù hợp ( theo Luật quy định tối đa là 6% lương, hiện nay chỉ mới đóng 4,5% lương).
Theo Một thế giới