Theo Bộ Y tế, Pháp lệnh Dân số hiện hành còn nhiều hạn chế, tồn tại cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Vì vậy, Bộ Y tế mong muốn các bộ ngành liên quan có thể tư vấn, thẩm định để xây dựng lại Luật Dân số.
Cụ thể, Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2003 quy định có tính chất “bắt buộc” về số con cho mỗi cặp vợ chồng, cá nhân “sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Điều 17 Nghị định số 104/2003 của Chính phủ cũng quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ: “Thực hiện quy mô gia đình ít con - có 1 hoặc 2 con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”.
Pháp lệnh này hiện đang xâm phạm đến quyền con người, quyền sinh sản. Đồng thời pháp lệnh này đang rút ngắn thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” xuống còn 18 năm, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển.
Vì vậy, Bộ Y tế hi vọng trong Luật dân số khi được xây dựng lại sẽ chỉ "khuyến khích" các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước.
Bộ Y tế đã đề ra hai phương án về số con nhằm xác lập quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình như sau:
Phương án 1: Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích thực hiện mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Tuy nhiên, cả hai phương án trên đều có những ưu và nhược điểm nhất định, nên chọn phương án nào cũng phải có biện pháp khắc phục những nhược điểm, hệ lụy tiếp theo. Hiện Bộ Y tế đang nghiêng về phương án 1 vì việc khắc phục nhược điểm sẽ thuận lợi hơn so với phương án quy định cụ thể về số con.