|
Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu UBND TP Đà Nẵng báo cáo chi tiết về công trình Trung tâm hành chính tập trung |
Theo đó, một loạt các vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư, cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, đơn vị thẩm tra, đơn vị tổng thầu xây lắp, đơn vị tư vấn giám sát; Về kỹ thuật thi công; Về quy hoạch kiến trúc công trình, vị trí công trình, các chỉ tiêu quy hoạch chủ yếu, tính kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung, phương án kiến trúc; Thực trạng khai thác; vận hành, hiệu quả sử dụng...của Trung tâm hành chính tập trung...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo chi tiết về quy mô công trình và tổng mức đầu tư: diện tích làm việc; diện tích công cộng, kỹ thuật, phục vụ và phụ trợ; Thực trạng bố trí, sử dụng khu Trung tâm hành chính tập trung: tổng số cơ quan, đơn vị; tổng số cán bộ công chức, viên chức; diện tích làm việc theo các chức danh.
Đồng thời báo cáo kết quả xử lý, sắp xếp lại trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính đã chuyển ra trụ sở mới (phương án xử lý, sắp xếp lại và quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc bán trụ sở cũ); Chi phí quản lý vận hành và bảo trì hàng năm; Hiệu quả khai thác, sử dụng (đánh giá tiện ích đối với cán bộ công chức, viên chức, tổ chức và người dân khi đến làm việc); Ưu điểm và những khó khăn, bất cập trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành khu hành chính tập trung...
UBND TP Đà Nẵng phải báo cáo các nội dung chi tiết về Bộ Xây dựng trước ngày 25/9 để Bộ có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX diễn ra ngày 11/8/2016, đại biểu Trần Văn Trường, Bí thư Huyện uỷ Hoà Vang chất vấn lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng các nội dung liên quan đến thông tin di dời Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng đang sử dụng.
Trả lời ý kiến đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, Trung tâm hành chính của TP mới được khánh thành 3 năm và có nhiều ưu khuyết điểm. Ưu điểm là việc khi đưa Trung tâm hành chính đi vào hoạt động, vấn đề cải cách hành chính được nâng cao. Tuy nhiên Trung tâm hành chính còn có tồn tại như không khí chưa sạch, nóng quá. Hiện UBND TP đã chỉ đạo ban quản lý tòa nhà phải khắc phục cho được việc này, bơm khí tươi và đảm bảo điều kiện làm việc. Vì vậy nên UBND TP Đà Nẵng đang tính xây dựng khu hành chính để thay thế khu Trung tâm hành chính cũ.
Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng xác nhận là có tính đến, nhưng là kế hoạch của 20-30 năm sau, khi đô thị Đà Nẵng phát triển lớn hơn.
Tòa nhà được khởi công từ tháng 11/2008 với tổng vốn đầu tư xây dựng sau nhiều lần điều chỉnh là 2.321 tỷ đồng từ tiền ngân sách, tiền khai thác quỹ đất và bán các trụ sở cũ. Sau nhiều lần gia hạn, công trình được đưa vào vận hành từng phần từ cuối tháng 7/2014 và đến ngày 8/9/2014 thì chính thức đi vào hoạt động, phục vụ người dân.
Toà nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng có hình dáng kiến trúc của ngọn hải đăng bên sông Hàn với chiều cao 36 tầng. Trong đó có 2 tầng hầm, 34 tầng nổi, cao nhất miền Trung với 166,8m. Phần đỉnh tháp phía trên cùng được thi công bằng kết cấu bằng thép, phủ kính, dành cho hệ thống kỹ thuật, dự kiến sẽ thành nơi giải trí, ngắm Đà Nẵng từ trên cao.
Tòa nhà sở hữu hệ thống gồm 13 thang máy (3 thang phục vụ khối đế, 10 thang phục vụ khối tháp) được chia làm 3 nhóm để phục vụ người dân, các tổ chức đến liên hệ công việc.
Tòa nhà có tổng diện tích sàn 65.234m2, được chia làm 4 phần: phần ngầm, phần đế, phần thân khối tháp và phần đỉnh tháp. Để thi công tòa nhà này, công trình đã sử dụng 63.404m3 bê tông; 12.275 tấn sắt thép; 21.012m2 kính cường lực bao che phủ lớp Lowe có khả năng chống hấp thu nhiệt và tiết kiệm năng lượng và gần 600 tấn kết cấu thép định hình.