Trong một bức thư ngắn gửi tới thẩm phán liên bang ở khu Đông New York, các công tố viên cho biết một người giấu tên đã giúp cơ quan chức năng mở được mã khóa iPhone để phục vụ điều tra.
Chiếc điện thoại iPhone trên đã trở thành tâm điểm mới nhất trong cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến các vấn đề quyền riêng tư và an ninh.
Tháng trước, một vụ kiện pháp lý liên quan đến việc buộc Apple giúp mở khóa chiếc iPhone 5C của hung thủ vụ xả súng ở San Bernardino cuối năm ngoái đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt ở Mỹ.
Cuộc chiến pháp lý đó đã bất ngờ chấm dứt khi Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo họ đã mở được khóa chiếc iPhone mà không cần tới sự trợ giúp của Apple.
Mới đây, trả lời tại Diễn đàn An ninh Aspen tổ chức tại London (Anh) ngày 21/4, Giám đốc FBI James Comey cho biết FBI đã trả một số tiền lớn để "bẻ khóa" chiếc điện thoại, một con số nhiều hơn cả số tiền lương ông sẽ nhận được trong 7 năm 4 tháng tại nhiệm sắp tới. Tính toán dựa theo mức lương của Giám đốc FBI, số tiền mà cơ quan này bỏ ra có thể lên tới hơn 1,3 triệu USD.
Trong trường hợp chiếc iPhone ở Brooklyn, chiếc điện thoại của kẻ buôn ma túy đang chạy một phiên bản hệ điều hành iOS cũ, thiếu các tính năng mã hóa như chiếc iPhone 5C của hung thủ ở San Bernardino, nên có thể sử dụng ít kỹ thuật phức tạp để mở khóa thiết bị.
Trước đó, Apple đã tự nguyện giúp các cơ quan chức năng Mỹ mở khóa điện thoại iPhone trong khoảng 70 trường hợp, nhưng hãng này đã thay đổi lập trường của mình mùa Thu năm ngoái và bắt đầu thách thức uy quyền của Bộ Tư pháp Mỹ khi bộ này vận dụng một đạo luật năm 1789 để buộc Apple và các hãng công nghệ khác hỗ trợ kỹ thuật trong các vụ mở khóa thiết bị di động nhằm phục điều tra các vụ án.
Theo VietNam+