Đó là thông tin được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện ngân sách năm 2015 và kế hoạch năm 2016.
Báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách năm 2016 tăng cao hơn 60.750 tỷ đồng so với năm 2015, chi ngân sách năm ngoái là 17% nhưng năm nay là 20,1%.
Nhưng theo Bộ trưởng Vinh: “Những con số nghe rất vui, nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền, tăng chỉ mang tính nghiệp vụ thôi”.
Phân tích kỹ hơn, Bộ trưởng cho biết vốn ODA giải ngân mọi năm chỉ 20.000 tỷ đồng, nhưng do yêu cầu minh bạch đầu tư công nên đưa lên 50.000 tỷ đồng/năm; tiền đất từ mức 37.000 – 38.000 tỷ đồng đã đưa lên thành 50.000 tỷ đồng; khoản thu từ xổ số kiến thiết trước đây không đưa vào, nhưng nay được cộng thêm vào là 26.000 tỷ.
“Cộng cả ba khoản này vào là 69.300 tỷ đồng, là thứ mà trước đây năm nào vẫn có thế, chẳng qua để ngoài và giờ cộng vào và bảo tăng thêm”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Như vậy, thực tế ngân sách Nhà nước là 255.750 tỷ đồng, thì riêng cân đối cho ngân sách địa phương là 131.500 (chiếm hơn 52%). Ngân sách trung ương còn lại là 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác thì còn 45.000 tỷ đồng.
“Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả” - Bộ trưởng Vinh lo lắng.
Bộ trưởng nói thêm: “Con số thật rất nhỏ, rất là nhỏ. Chính phủ cầm trong tay để có thể điều tiết được chỉ có 45.000 tỷ và thấp hơn con số là âm so với năm 2015”.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị xem xét lạingân sách để dành nguồn tiền thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trước thực tế ngân sách đang rất căng thẳng với những số liệu mà Bộ trưởng Vinh đưa ra, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nếu cân đối ngân sách như trên thì không thể “phát triển bền vững” được?
“Giờ bán vốn được 40.000 tỷ đồng, thì để 10.000 tỷ đồng bù đắp ngân sách và 30.000 để đầu tư. Nợ của Trung ương thì năm nay phải treo nữa, mấy năm vừa rồi cũng nợ nữa nên phải tính cân đối. Nhất là với khoản vay ngắn, sang năm đã trả, vay ngắn nữa thì năm tới lại phải trả. Chưa vay đã trả thì lấy gì mà cân đối được” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.
Trước tình hình căng thẳng của ngân sách, chi đầu tư rất nhỏ nên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng rất khó cân đối. Vì vậy, cấp thiết phải tái cơ cấu lại ngân sách, nếu không sẽ không đảm bảo được sự bền vững trong chi tiêu ngân sách trong những năm tới.
Theo Trí thức trẻ