Theo đó, trong hai tháng từ ngày 21/11/2015 đến ngày 20/1/2016, sẽ thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp để phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng của phương tiện và kích thước thùng hàng xe.
Về nhiệm vụ và giải pháp, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Tống cục Đường bộ Việt Nam phối hợp Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan tham mưu của Bộ, ngành liên quan và địa phương mở đợt cao điểm tuyên truyền về kiểm soát tải tải trọng phương tiện; nêu gương điển hình tốt và chưa tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục kiểm tra, rà soát việc ký và thực hiện cam kết không xếp hàng quá tải trọng lên phương tiện tại các đầu mối nguồn hàng.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện kế hoạch cao điếm kiểm soát tải trọng phương tiện.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ 1/1 - 20/10/2015, các Trạm Kiểm tra tải trọng xe trên cả nước đã kiểm tra 387.017 xe, trong đó có 37.251 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 9,6%; hạ tải 66.500 tấn hàng (đối với 12.661 xe), tước 12.247 Giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc nhà nước 200 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đề nghị Cục cảnh sát giao thông đẩy mạnh công tác “hậu kiểm”; mở đợt cao điểm xử lý xe quá tải trong 2 tháng cuối năm 2015.
“Xe quá tải có thể lọt trạm cân thì xử lý cán bộ tại trạm, có như vậy mới giải quyết được vấn đề”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Theo Infonet